Chuyển đến nội dung chính

Làm Sao Để Tránh Thực Phẩm Bẩn?


Với tình hình thực phẩm "bẩn" (nghĩa là thực phẩm có sự pha trộn của các chất có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng) tràn lan hiện nay, từ rau, trái cây, đến gạo, đến thịt, thì việc nhà nhà lo lắng về bữa cơm hàng ngày của mình là hoàn toàn có cơ sở. Một hệ quả tức thời đó là bà con bắt đầu tự trồng rau củ. Đây cũng là cách hay, tuy nhiên, cũng chỉ giải quyết được một phần về rau củ, và cũng không phải là cách mà ai cũng có thời gian để làm được.   

Còn việc phân biệt thực phẩm bẩn với thực phẩm sạch thì gần như không thể vì khi người bán đã cố tình lừa thì người mua sẽ rất khó để phát hiện.  

Vậy làm sao để tránh thực phẩm bẩn?

1. Ủng hộ cửa hàng thực phẩm sạch

Đây là cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất. Hiện nay không thiếu các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, có đóng gói bao bì, nguồn gốc xuất xứ, và hạn sử dụng rõ ràng. 

Nếu nhà nhà dùng thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm không rõ nguồn gốc, thì đến một lúc nào đó, các thực phẩm bẩn này sẽ tự động bị đào thải khỏi thị trường vì không có khả năng cạnh tranh. Điều này đã được chứng minh ở Châu Âu. Các tiệm thức ăn nhanh của Mỹ thành công ở khắp nơi trên thế giới, nhưng khi đến một số nơi ở Châu Âu đã phải đóng cửa sớm vì không ai mua cả. Đây chính là sức mạnh của ý thức cộng đồng mà không điều gì có thể mạnh hơn được. 

Điều duy nhất khiến các gia đình băn khoăn là giá thành của thực phẩm sạch cao quá! Theo lẽ thường, khi bạn đã biết lo cho sức khoẻ của mình thì có nghĩa là bạn không còn nằm trong số những người đói nghèo ở mức miễn có ăn để sống là được. Và nếu như thế, không lẽ bạn định giá mạng sống mình thấp hơn giá thực phẩm bẩn sao? 

Ngoài các loại bệnh đường tiêu hoá tức thời, khả năng dẫn đến ung thư của các độc tố có trong thực phẩm bẩn là không nhỏ nữa. Bạn muốn chọn mua thực phẩm sạch mắc hơn một chút hay là bạn muốn mua thực phẩm bẩn và trả một đống tiền cho việc điều trị, thuốc men, lẫn thời gian mất đi do không đi làm được? Đấy là chưa kể việc tính mạng của bạn có thể bị đe doạ nữa. 

Nếu thực phẩm sạch chiếm được thị trường thì giá thành sẽ ngày càng thấp đi, và sẽ đến lúc thực phẩm bẩn không còn có khả năng cạnh tranh với thực phẩm sạch nữa, cả về chất lượng lẫn giá cả.

2. "Kết nghĩa" với nhà nông

Gần đây mình có dịp về quê và được tận mắt chứng kiến mọi thứ trên bàn ăn đều đúng 100% nhà làm. Gạo thu hoạch từ ruộng lúa gia đình, rau củ quả trong vườn trồng được, cá vớt từ ao nhà lên, gà vịt nuôi trong sân nhà. Mọi thứ đúng nghĩa là hoàn toàn hữu cơ tự nhiên! Cái gì ăn không hết thì bán cho những người quen biết. 

Nếu ai cũng tự nuôi trồng, tự tiêu thụ được thế thì quá tốt. Thực phẩm bẩn không len vào đâu được. Có lẽ đấy cũng là lý do tại sao ở vùng quê này các cụ sống qua 90, minh mẫn, đi lại khoẻ mạnh, không bệnh tật thuốc men gì, là bình thường.  

Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có khả năng tự sản xuất và tiêu thụ như thế. Do đó, thay vì tự sản xuất, bạn hoàn toàn có thể ủng hộ những người nông dân nhỏ lẻ này bằng cách trở thành khách hàng quen thuộc của họ. Điều này cũng không khác gì việc bạn tự nuôi trồng là mấy. 

Cái bất lợi duy nhất của giải pháp này là nguồn thực phẩm của bạn sẽ có thể không đa dạng lắm. Nhưng bù lại, chất lượng và độ an toàn thực phẩm sẽ không có gì bàn cãi vì người bán và người mua đều ăn cùng một thứ.  

Một câu quảng cáo rất ấn tượng ở nước ngoài về vấn đề thực phẩm bẩn này như sau: hãy trả tiền cho người nông dân bây giờ hoặc trả tiền cho bác sỹ sau này! (Pay the farmers now or pay the doctors later). 

Điều này cho thấy tình hình thực phẩm bẩn là vấn đề chung của nhiều nước, ngay cả các nước phát triển như Mỹ. Có điều thực phẩm họ bẩn theo kiểu khác mình thôi. Và lý do duy nhất mà thực phẩm bẩn tồn tại được là do người tiêu dùng đều thích cái gì "rẻ hơn." Nên chỉ cần người tiêu dùng chịu khó bỏ tiền ra ủng hộ những người nông dân chân chính, cho họ đất sống, thì cũng chính là tự cứu mình khỏi bệnh tật đó thôi! 

3. Yêu chính mình

Để tạo ra thực phẩm bẩn hay buôn bán thực phẩm bẩn, người bán là người đầu tiên chịu tiếp xúc với những thứ độc hại mỗi ngày. Không chỉ gây hại qua tiếp xúc trực tiếp, những chất độc hại đó còn tiếp tục gây hại gián tiếp và lâu dài qua việc ảnh hưởng bầu không khí và nguồn nước quanh khu vực bạn sinh sống.

Do đó, ngoài các bệnh ngoài da và hô hấp do việc đụng chạm và hít thở những thứ độc hại đó mỗi ngày, bạn còn có nguy cơ bị biến đổi gen, dẫn đến những bệnh di truyền không thể chữa được qua nhiều thế hệ. 

Người mua có thể nhầm chứ người bán thì không. Nếu bạn biết yêu chính mình, và coi trọng mạng sống của bạn, thì xin hãy nói không với các loại hoá chất độc hại, và bảo vệ bản thân và những người bạn yêu thương bằng cách sản xuất thực phẩm sạch mà thôi.

* Thực phẩm bẩn và ung thư

Theo thống kê mới nhất của Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật (CDC) của Mỹ, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở Việt Nam là bệnh ung thư. 

Riêng về thực phẩm bẩn, đến nay chưa có số liệu thống kê nào ở Việt Nam có thể khẳng định chính xác phần trăm thực phẩm bẩn là bao nhiêu, và khả năng thực phẩm bẩn tại Việt Nam có thể gây ra ung thư là bao nhiêu. Do đó, việc gán ghép thực phẩm bẩn gây ung thư là chưa có cơ sở xác đáng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các chất độc hại trong thực phẩm bẩn trong một thời gian dài là chắc chắn không tốt cho sức khỏe con người. Đồng thời, khả năng các chất này gây ra đột biến gen và dẫn đến ung thư là không nhỏ. 

Theo Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia của Mỹ thì đến 80% nguyên nhân dẫn đến ung thư là do những yếu tố có thể kiểm soát được, trong đó:
+ dinh dưỡng và lối sống chiếm (30-60%)
+ thuốc lá (30%)
+ ô nhiễm không khí và nguồn nước (5%)
+ rượu (3%)
+ phóng xạ (3%)
+ các loại thuốc men/hoá chất (2%)

Do đó, ngoại trừ những trường hợp ung thư xảy ra do di truyền, chỉ cần bạn biết chọn cho mình một chế độ dinh dưỡng với những thành phần rau củ sạch, trái cây sạch, thịt sạch thì bạn đã và đang tự loại mình ra khỏi danh sách tử thần của căn bệnh ung thư đang hoành hành ở Việt Nam rồi đấy! 





Rau cải xanh và cà chua trồng tại tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam đã được chứng nhận hoàn toàn hữu cơ bởi Mỹ (USDA/Organic) và khối liên minh Châu Âu. Đây là một số mặt hàng được chứng nhận bởi 2 cơ quan quốc tế đáng tin cậy nhất hiện nay, được bày bán tại cửa hàng 5th Element - một cửa hàng bán rau của quả sạch nằm trong Vivo City, quận 7. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Quinvaxem, Pentaxim, Hay Là Không Nên Tiêm Chủng Nữa?

Hôm rồi ăn cơm với đứa cháu mới có con được mấy tháng, và cô bé tâm sự là không dám cho con đi chích ngừa vì quá sợ hãi Quinvaxem, sau khi đọc các bài báo về việc Quinvaxem dẫn đến tử vong ở trẻ em gần đây. Một số người bạn có điều kiện hơn thì đã đem con đi chích dịch vụ để được chích Pentaxim, và khi dịch vụ ở Việt Nam hết thuốc, thì họ đem con qua nước ngoài (Singapore, hay thậm chí Mỹ) để chích.  Bất kỳ cha mẹ các bé chọn phương án nào, Quinvaxem hay Pentaxim, thì đều với mong muốn tạo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho bé trong khả năng có thể, và điều đó là hoàn toàn đáng trân trọng.  Riêng việc không cho bé chích ngừa vì sợ bé chết do thuốc thì bạn đang đặt bé vào một tình thế còn nguy hiểm hơn, với xác suất tử vong cao hơn nhiều. Tuy nhiên, tất cả đều là chọn lựa của riêng bạn, và mình sẽ đưa thông tin để các bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho bé nhé! 1. Nguồn gốc? Quinvaxem: sản xuất tại Hàn Quốc bởi công ty Crucell, thuộc tập đoàn Johnson & Johnson, Mỹ và côn...

Căn Bệnh Ung Thư Lớn Nhất Của Tâm Hồn: Cô Đơn

1. Đại dịch “cô đơn” cũng không kém cạnh gì đại dịch “béo phì” Theo một kết quả nghiên cứu của khoa Tâm Lý Học trường  Brigham Young University tại Mỹ vào tháng 3/2015 vừa qua dựa trên phân tích các dữ liệu của 3 triệu người trên toàn thế giới trong vòng 34 năm (1/1980-2/2014), sự cô lập xã hội, cô đơn, và lối sống đơn chiếc sẽ có khả năng trở thành đại dịch mới của thế giới vào năm 2030, tương đương với đại dịch béo phì, nếu tình hình các mối quan hệ xã hội của con người trong hiện tại không được xem xét và cứu chữa một cách nghiêm túc. Sự cô lập xã hội, cô đơn, lối sống đơn chiếc làm tăng nguy cơ tử vong của con người lần lượt là 29%, 26%, và 32%, thậm chí còn có tác dụng xấu lên sức khỏe không khác gì tác hại của việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày hay bị nghiện rượu. Không chỉ dừng lại ở đó, trong quyển sách “Đuổi Theo Tiếng Thét: Những Ngày Đầu và Cuối Của Cuộc Chiến Chống Thuốc Gây Nghiện” (Chasing the Scream: The First and Last Days of the War on Drugs) được xuất bản đầu năm ...

El Niño Hay Con Người Giết Cá?

El Niño hiểu đơn giản là hiện tượng nóng lên của vùng xích đạo Thái Bình Dương tập trung ở khu vực trung tâm và phía đông của đại dương này. Trung bình cứ 2 đến 7 năm sẽ có một đợt El Niño. Mỗi đợt El Niño sẽ gây ra những hậu quả nặng nhẹ khác nhau, rất khó để dự đoán. Nhìn chung, El Niño sẽ có thể gây ra bão, lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, nạn đói, mùa màng thất bát, các giống loài bị phân bổ lại, động vật bị chết hàng loạt, cá chết hàng loạt, và san hô bị tẩy trắng (không hẳn là chết nhưng nếu bị tẩy trắng quá lâu thì cũng sẽ chết). Đợt El Niño năm 1997-98 là đợt nóng kinh khủng nhất trong lịch sử của El Niño, được gọi là Siêu El Niño, và gây hậu quả nghiêm trọng nhất bao gồm: bão nhiệt đới ở miền Đông Canada và Mỹ, lũ ở Trung Quốc, cháy rừng ở Úc, dịch sốt xuất huyết bùng nổ ở Tây Thái Bình Dương và Châu Á, hơn 35 nước tuyên bố có thiên tai, mùa màng thất bát, đất đai mất chất, ô nhiễm sông ngòi, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dẫn đến đói kém, cá chết hàng loạt ở nhiều nơi trên th...