Mong các bạn tha thứ cho sự vô tâm của tôi khi tôi không hề biết trước đây ai đã từng giữ chức vụ này tại Việt Nam. Thế nhưng từ vài năm gần đây, tôi đã biết người hiện đang giữ chức vụ này là bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
1. Dấu ấn riêng
Cho dù đó là vì bất kỳ lý do gì, thì bà đã trở nên một con người rất thật và rất gần với mọi người, đủ đến mức để người ta bàn tán, khen chê về bà trong những bữa ăn gia đình hay cả những lúc "chém gió" không khác gì cách người ta nói về Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải.
Bà đã trở thành Bộ trưởng đầu tiên của Việt Nam lập trang facebook cá nhân tại đây https://www.facebook.com/botruongboyte.vn/ đi kèm đường dây nóng 1900-9095 để người dân có thể theo dõi và phản ánh trực tiếp với bà một cách dễ dàng nhất. Sau hơn một năm công khai, từ 28/2/2015 đến nay, đã có 325,809 người quan tâm theo dõi trang facebook của bà, với mỗi thông tin đăng tải có từ vài trăm lên đến vài ngàn lượt "yêu thích".
Không chỉ dừng lại ở đó, bà có lẽ cũng là Bộ trưởng đầu tiên ở Việt Nam ký đơn hiến tạng vào năm 2013. Đây là việc làm đáng ghi nhận vì nó có khả năng phát động xu hướng hiến tạng đang rất cần được mở rộng ở Việt Nam để cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân nữa, khi kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam đã không còn xa lạ.
Đã có lần dư luận muốn bà từ chức khi dịch sởi xảy ra và bà đã tỏ rõ quan điểm là mình sẽ không từ chức. Đây không phải là điều dễ làm khi tất cả mọi búa rìu đều hướng về bà. Nhưng quan trọng nhất là bà đã bình tĩnh giải quyết vấn đề. Kết quả là bệnh dịch sởi đã được ngăn chặn, và tỷ lệ ngừa bệnh sởi của Việt Nam theo thống kê của WHO và UNICEF từ 2011 đến 2014 tiếp tục được giữ vững là 96%, 96%, 98%, và 97%.
Điều thành công nhất mà tôi cho rằng bà đã làm được là việc tạo ra thương hiệu của chính mình. Dù được yêu hay không, thì bà đã trở thành người được dư luận chú ý giữa hàng trăm vị lãnh đạo đất nước.
2. Công nhận quốc tế
Ngày 20/3/2009, bà được Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh - huân chương cao quý nhất của nước Pháp do sự đóng góp của bà trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học.
Ngày 28/5/2015, bà đã là một trong 2 cá nhân của 27 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương được nhận giải thưởng danh dự tại hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới vì những đóng góp của bà trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá trên cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của bà, hệ thống quản lý vắc xin của Việt Nam đã được Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới (WHO) công nhận và xếp hạng thứ 39 trên tổng số 43 nước được WHO công nhận. Nhờ đó, vắc xin sản xuất tại Việt Nam sẽ có thể được xuất khẩu sang nhiều nước hơn. Hiện tại, Việt Nam đã sản xuất được 16 loại vắc xin, trong đó có 12 loại dùng trong chương trình Tiêm Chủng Mở Rộng, và một số vắc xin được xuất khẩu sang 10 nước. Dự kiến Việt Nam sẽ có thể sản xuất vắc xin 6 trong 1 vào năm 2018.
3. Thành công trong nước
Dưới sự lãnh đạo của bà, đã có những chính sách thông minh giúp giải quyết một số vấn đề gần như nan giải trước đây của ngành Y Việt Nam.
Một trong những chính sách tôi cho là thông minh nhất dưới sự lãnh đạo của bà là đề án bệnh viện vệ tinh để giảm thiểu tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Theo đề án này, một số bệnh viện trung tâm như bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Đa khoa Trung ương Huế, Từ Dũ, Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1 và 2 v...v... sẽ có nhiệm vụ chuyển giao công nghệ và nhân lực cho các bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh thành. Nhờ đề án này, tỷ lệ chuyển bệnh nhân từ các tỉnh thành lên các bệnh viện trung tâm giảm hẳn, giúp giải quyết vấn đề quá tải ở các bệnh viện lớn, và giúp cho việc bệnh nhân được điều trị kịp thời và chu đáo hơn.
Ngày 22/4/2015 đánh dấu một thay đổi quan trọng nữa trong ngành Y Việt Nam dưới sự lãnh đạo của bà, đó là thái độ của toàn ngành cần phải chuyển từ "ban ơn" sang "phục vụ". Bà đã nắm bắt đúng xu thế chung của thế giới và đưa ra chính sách cải cách phù hợp. Không hẳn điều này sẽ xảy ra ngay sau khi chính sách được ban hành, nhưng tôi tin rằng đây là một bước khởi đầu quan trọng và cần thiết để bộ mặt của Y tế Việt Nam sẽ thay đổi trong một tương lai rất gần.
Ngoài ra bà còn đưa ra một số thay đổi hợp lý hơn từ ngày 1/1/2015 đối với Bảo Hiểm Y Tế (BHYT), giúp cho các bệnh nhân giảm viện phí từ 80% đến 100%. Kết quả là đến cuối năm 2015, đã có 75% dân số tham gia BHYT. Khi con số này đạt mức 100% thì đồng nghĩa với việc bất kỳ bệnh nhân nào đến bệnh viện cần chữa trị cũng sẽ được điều trị ngay lập tức chứ không còn phải có tiền trả viện phí trước rồi mới được điều trị nữa.
Nhân ngày 8/3, tôi hy vọng Việt Nam có thêm những nữ lãnh đạo có tài như bà!
Nhận xét
Đăng nhận xét