Chuyển đến nội dung chính

Hiểu Biết Cơ Bản Về Bệnh Sởi (Measles hoặc Rubeola)

1. Định nghĩa

Bệnh sởi (tên tiếng Anh là measles hoặc rubeola) là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng hệ thống miễn dịch, và nhiễm trùng da, gây ra bởi virus (vi-rút) sởi, và có khả năng truyền nhiễm rất cao qua đường hô hấp.

Bệnh lây lan khi người không bệnh tiếp xúc với nước bọt, nước mũi, hay bất kỳ dung dịch nào tiết ra từ mũi và miệng người đã nhiễm bệnh sởi, hoặc cũng có thể bị lây nhiễm trực tiếp từ các hạt dung dịch trong không khí, bàn ghế, thanh cầm, v…v… rớt ra từ người nhiễm sởi trong vòng vài tiếng đồng hồ trở lại.

Khả năng truyền nhiễm của một người mắc bệnh sởi sang một người không có kháng thể chống virus sởi lên đến 90%.

Bệnh này thường xảy ra ở trẻ em hơn ở người lớn. Hình dưới đây là một trẻ em bị sởi. 
(Nguồn: http://media.graytvinc.com/images/measles16.jpg)



2. Triệu chứng

Trong vòng 7 đến 14 ngày từ khi bị nhiễm virus sởi, sẽ không có dấu hiện nhận biết gì.
Sau đó sẽ bắt đầu bằng sốt nhẹ, ho khan, chảy nước mũi, đau cổ họng, đau mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng trong vòng 2-3 ngày tiếp theo đó.

Đến ngày thứ 3, trước khi đốm sởi xuất hiện, sẽ xuất hiện những đốm đỏ nhân trắng bên trong vòm miệng ở phía 2 bên má, gọi là đốm Koplik. Đây cũng là dấu hiện nhận biết bệnh sởi trước khi các đốm sởi xuất hiện.

Qua ngày thứ 3, các đốm sởi đỏ, thường dính chùm với nhau sẽ xuất hiện đầu tiên trên mặt, nhất là phía sau tai và dọc đường viền tóc.

Trong 4-5 ngày tiếp theo, bệnh sởi sẽ lan dần xuống tay, thân mình, đùi, chân, và bàn chân. Cùng lúc, sốt sẽ lên cao lến 104-105F (40-40.6C).

Sau đó bệnh sởi sẽ từ từ khỏi, và các đốm sởi sẽ biến mất dần bắt đầu từ mặt và dần dần xuống đến bàn chân.  

3. Nguyên nhân

Bệnh sởi gây ra bởi một loai virus gọi là paramyxovirus.  Đây là một dạng virus tạo bởi 1 chuỗi RNA theo chiều ngược (negative-sense single-stranded RNA viruses) và có tần số đột biến cao hơn nhiều so với các loại virus tạo bởi chuỗi DNA. Điều này khiến cho việc tạo vaccine để chống lại loại virus này khó khăn hơn nhiều, và thường không hiệu quả bằng các loại vaccine điều chế cho DNA virus. Điều này cũng lý giải tại sao qua thời gian, sẽ có khả năng những loại vaccine chống bệnh sởi hiện thời sẽ bị giảm tác dụng, hoặc không còn tác dụng do virus bệnh sởi đột biến và trở nên một dạng mới, dẫn đến việc kháng thể tạo ra bởi việc tiêm chủng vaccine hiện thời sẽ không còn tác dụng.

Năm 2011, ở thành phố New York, Mỹ, đã phát hiện một trường hợp bệnh nhân nữ 22 tuổi bị mắc bệnh sởi dù đã từng tiêm chủng đầy đủ, sau đó lây lan ra cho 4 người khác, và tất cả họ đều đã từng được tiêm chủng ngừa bệnh sởi, hoặc đã từng bị bệnh sởi (có nghĩa là họ đã có kháng thể chống bệnh sởi sẵn trong người, và lẽ ra sẽ không bao giờ bị mắc bệnh sởi nữa). Nghiên cứu sâu thêm cho thấy hệ miễn dịch của bệnh nhân này với virus sởi đã bị suy yếu và không còn khả năng trung hòa tính gây bệnh của virus sởi nữa. Kết quả này dẫn đến 2 kết luận chính:
1. Tác dụng của vaccine sau khi tiêm chủng kéo dài bao lâu là không xác định chắc chắn được 
2. Càng lớn tuổi thì hệ miễn dịch của con người sẽ càng yếu, nên việc bị nhiễm virus sởi từ những người chưa tiêm chủng ngừa sởi là hoàn toàn có thể xảy ra!

4. Phòng chống

Năm 1998, một nghiên cứu sai lầm tại Anh Quốc (sau đó đã bị bác bỏ hoàn toàn) đã cho rằng việc tiêm chủng gắn liền với chứng bệnh rối loạn phát triển não hay gọi nôm na là bệnh tự kỷ (autism) dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng giảm thiểu đáng kể tại nước này xuống dưới 80% vào năm 2003-2004, dẫn đến việc hơn 1,100 trẻ em ở Anh Quốc bị nhiễm bệnh sởi vào năm 2009, trong khi con số này vào năm 2001 chỉ có 70!

Ở Mỹ và Việt Nam, gần đây tỷ lệ tiêm vaccine bệnh sởi cũng bị giảm đáng kể do ảnh hưởng bởi những luồng tin cho rằng việc tiêm vaccine có thể dẫn đến những tử vong không đáng có ở trẻ nhỏ. Và hậu quả tức thời là hiện tại đang có một dịch sởi lây lan ở Việt Nam, cũng như ở Mỹ. Điều này càng chứng tỏ tầm quan trọng của việc phòng chống sởi bằng việc tiêm vaccine là không thể chối cãi! Nếu tỷ lệ tiêm chủng của cộng đồng đạt mức trên 95% thì điều này sẽ rất có lợi cho toàn thể cộng đồng, vì như vậy sự hiện diện của virus sởi trong cộng đồng sẽ bị giảm thiểu, dẫn đến việc 5% không tiêm chủng còn lại cũng sẽ được hưởng lợi và rất hiếm khi bị nhiễm bệnh sởi.

Hiện tại (15/4/2014), bệnh sởi đang hoành hành tại Philippines, với 15,683 trường hợp nghi ngờ bị bệnh sởi (3,434 chắc chắn bị sởi) và 23 ca tử vong do bệnh sởi đã được thống kê tại nước này từ 1/1 đến 15/2, 2014. Hơn nữa, đã xuất hiện những người bị sởi ở Úc, Canada, Nhật, New Zealand, và Anh Quốc do họ trở về từ Philippines.

1. Do vậy, bước đầu tiên quan trọng nhất để ngừa bệnh sởi vẫn là tiêm chủng! Đặc biệt, đối với bệnh sởi, việc tiêm chủng 2 lần là cực kỳ quan trọng.
Đối với trẻ em ở Mỹ:
            Lần 1: khi trẻ em từ 12-15 tháng tuổi.
            Lần 2: khi trẻ em 4-6 tuổi.

Đối với trẻ em ở vùng có tỷ lệ bệnh sởi cao (Việt Nam):
            Lần 1: trong vòng 6-11 tháng tuổi. 
            Lần 2: khi hoặc sau khi sinh nhật 1 tuổi, và phải cách lần tiêm chủng 1 ít nhất 28 ngày.

Đối với người lớn:
            Lần 1: tất cả những ai sinh sau năm 1957 mà chưa được tiêm chủng ngừa sởi.
            Lần 2: cách lần 1 ít nhất 28 ngày.

2. Đối với những người đang bị bệnh sởi, nên hạn chế tối đa tiếp xúc với mọi người để hạn chế lây nhiễm, ít nhất là 4 ngày trước khi đốm sởi xuất hiện và 4 ngày sau khi đốm sởi đã xuất hiện.

3. Nếu bạn chưa được tiêm chủng ngừa sởi thì không nên đi du lịch đến những nước có tỷ lệ bệnh sởi cao.

4. Bổ sung dinh dưỡng có nhiều vitamin A, là loại vitamin rất cần để giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn. Đây là những loại thực phẩm có vitamin A nhiều nhất theo thứ tự giảm dần: khoai lang đỏ, cà rốt, rau lá xanh đậm, bí đỏ, rau xà lách xanh, mận-đào-mơ, dưa cam (Cantaloupe), ớt đà lạt, cá ngừ, các loại trái cây vùng nhiệt đới (xoài).

5. Chữa trị

Trong vòng 72 tiếng sau khi bị nhiễm virus sởi, vaccine cũng sẽ vẫn có tác dụng làm giảm thiểu sự tiến triển của bệnh sởi.

Phụ nữ có thai, trẻ em, và những người có hệ thống miễn dịch yếu sẽ có thể được truyền trực tiếp khảng thể globulin, và sẽ có hiệu quả giúp thuyên giảm bệnh sởi trong vòng 6 ngày kể từ khi bị nhiễm virus sởi.

Thuốc giảm sốt như acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, motrin) có thể được sử dụng để giảm sốt, nhưng tuyệt đối không được cho trẻ em uống aspirin vì sẽ có khả năng dẫn đến những trường hợp phức tạp chết người khác (Reye’s syndrome).

Thuốc kháng sinh cũng có thể được dùng nếu như trong quá trình bị sởi, người bệnh bị nhiễm trùng tai hoặc viêm phổi gây ra do vi khuẩn.

Vitamin A với liều lượng cao ( 200,000 IU (international unit) trong vòng 2 ngày).

6. Tĩnh dưỡng

Khi bị bệnh sởi, người bệnh cần được đưa đến gặp bác sỹ ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, người bệnh cần được nghỉ ngơi tối đa, uống thật nhiều nước lọc, nước trái cây, trà thảo dược (vì khi sốt cơ thể sẽ mất nhiều nước), giảm thiểu hoạt động mắt (đeo kính đen, tránh đọc sách và tiếp xúc máy tính hay ti vi).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Quinvaxem, Pentaxim, Hay Là Không Nên Tiêm Chủng Nữa?

Hôm rồi ăn cơm với đứa cháu mới có con được mấy tháng, và cô bé tâm sự là không dám cho con đi chích ngừa vì quá sợ hãi Quinvaxem, sau khi đọc các bài báo về việc Quinvaxem dẫn đến tử vong ở trẻ em gần đây. Một số người bạn có điều kiện hơn thì đã đem con đi chích dịch vụ để được chích Pentaxim, và khi dịch vụ ở Việt Nam hết thuốc, thì họ đem con qua nước ngoài (Singapore, hay thậm chí Mỹ) để chích.  Bất kỳ cha mẹ các bé chọn phương án nào, Quinvaxem hay Pentaxim, thì đều với mong muốn tạo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho bé trong khả năng có thể, và điều đó là hoàn toàn đáng trân trọng.  Riêng việc không cho bé chích ngừa vì sợ bé chết do thuốc thì bạn đang đặt bé vào một tình thế còn nguy hiểm hơn, với xác suất tử vong cao hơn nhiều. Tuy nhiên, tất cả đều là chọn lựa của riêng bạn, và mình sẽ đưa thông tin để các bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho bé nhé! 1. Nguồn gốc? Quinvaxem: sản xuất tại Hàn Quốc bởi công ty Crucell, thuộc tập đoàn Johnson & Johnson, Mỹ và côn...

Căn Bệnh Ung Thư Lớn Nhất Của Tâm Hồn: Cô Đơn

1. Đại dịch “cô đơn” cũng không kém cạnh gì đại dịch “béo phì” Theo một kết quả nghiên cứu của khoa Tâm Lý Học trường  Brigham Young University tại Mỹ vào tháng 3/2015 vừa qua dựa trên phân tích các dữ liệu của 3 triệu người trên toàn thế giới trong vòng 34 năm (1/1980-2/2014), sự cô lập xã hội, cô đơn, và lối sống đơn chiếc sẽ có khả năng trở thành đại dịch mới của thế giới vào năm 2030, tương đương với đại dịch béo phì, nếu tình hình các mối quan hệ xã hội của con người trong hiện tại không được xem xét và cứu chữa một cách nghiêm túc. Sự cô lập xã hội, cô đơn, lối sống đơn chiếc làm tăng nguy cơ tử vong của con người lần lượt là 29%, 26%, và 32%, thậm chí còn có tác dụng xấu lên sức khỏe không khác gì tác hại của việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày hay bị nghiện rượu. Không chỉ dừng lại ở đó, trong quyển sách “Đuổi Theo Tiếng Thét: Những Ngày Đầu và Cuối Của Cuộc Chiến Chống Thuốc Gây Nghiện” (Chasing the Scream: The First and Last Days of the War on Drugs) được xuất bản đầu năm ...

El Niño Hay Con Người Giết Cá?

El Niño hiểu đơn giản là hiện tượng nóng lên của vùng xích đạo Thái Bình Dương tập trung ở khu vực trung tâm và phía đông của đại dương này. Trung bình cứ 2 đến 7 năm sẽ có một đợt El Niño. Mỗi đợt El Niño sẽ gây ra những hậu quả nặng nhẹ khác nhau, rất khó để dự đoán. Nhìn chung, El Niño sẽ có thể gây ra bão, lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, nạn đói, mùa màng thất bát, các giống loài bị phân bổ lại, động vật bị chết hàng loạt, cá chết hàng loạt, và san hô bị tẩy trắng (không hẳn là chết nhưng nếu bị tẩy trắng quá lâu thì cũng sẽ chết). Đợt El Niño năm 1997-98 là đợt nóng kinh khủng nhất trong lịch sử của El Niño, được gọi là Siêu El Niño, và gây hậu quả nghiêm trọng nhất bao gồm: bão nhiệt đới ở miền Đông Canada và Mỹ, lũ ở Trung Quốc, cháy rừng ở Úc, dịch sốt xuất huyết bùng nổ ở Tây Thái Bình Dương và Châu Á, hơn 35 nước tuyên bố có thiên tai, mùa màng thất bát, đất đai mất chất, ô nhiễm sông ngòi, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dẫn đến đói kém, cá chết hàng loạt ở nhiều nơi trên th...