Chuyển đến nội dung chính

Cơn Nghiện Thời Đại Mới: Điện Thoại Di Động!

Dựa trên các số liệu thống kê từ các nguồn khác nhau cho các nhóm người khác nhau trên thế giới, thời gian trung bình chúng ta dán mắt vào màn hình điện thoại di động (ĐTDĐ)  dao động trong khoảng 1 đến 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, tương đương với 15 ngày đến 76 ngày trong một năm. Đây là thời gian trung bình một người không nghiện ĐTDĐ dành cho thiết bị này, nên bạn hãy tưởng tượng với những người mắc chứng nghiện ĐTDĐ thì con số này sẽ còn đến mức nào?   

1. Chứng nghiện ĐTDĐ có phải là thật?

Có một câu nói được cho là lời tiên tri của nhà bác học lỗi lạc Albert Einstein như thế này: “Tôi lo sợ sẽ có ngày khoa học kỹ thuật sẽ xâm hại và vượt lên cả sự tương tác giữa người với người. Khi đó, thế giới này sẽ là nơi hội tụ của những thế hệ ngu ngốc.” Và điều đó có lẽ đang xảy ra với sự tràn ngập của các thiết bị di động, đặc biệt là các thế hệ “smart phone” – điện thoại thông minh – như iphone, android, S-galaxy, v…v…


Các bạn có nhận thấy hình ảnh ở trên quen thuộc không? (Lưu ý: hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ngay cả những khi chúng ta có dịp gặp mặt nhau thì những tin nhắn, facebook, twitter, pinterest, instagram… vẫn không ngừng gián đoạn cuộc nói chuyện giữa người với người, để thay vào đó là sự tương tác giữa người với máy.

Vào năm 2005, hai nhà khoa học Adriana Bianchi và James G. Phillips tại khoa Tâm Lý Học đại học Monash, Úc, là hai người tiên phong đưa ra những chuẩn mực để xác định sự nghiện ngập ĐTDĐ ở một cá thể. Họ gọi những chuẩn mực đó là MPPUS (Mobile Phone Problem Use Scale – thước đo những vấn đề gây ra bởi ĐTDĐ). Dựa trên chuẩn MPPUS này, các nhóm nghiên cứu khác đã liên tục đưa ra những kết luận khẳng định chứng nghiện ĐTDĐ trong cộng đồng của họ (Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Ấn Độ, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Iran, Nam Hàn Quốc, Nhật Bản, v…v…) là có thật và là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong giới trẻ. Thậm chí vào năm 2014, ở Ấn Độ, người ta đã mở cả một bệnh viện chuyên trị chứng nghiện ĐTDĐ và các trò chơi điện tử nữa.

2. Dấu hiệu của chứng nghiện ĐTDĐ

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2015 trên tạp chí khoa học Sức Khỏe Cộng Đồng Quốc Tế của nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sỹ Milena Foerster trên 412 thiếu niên tại Thụy Sỹ thì có 4 dấu hiệu nổi bật nhất của sự nghiện ngập điện thoại di động ở các thanh thiếu niên này dựa trên chuẩn MPPUS đó là:
1. Thèm muốn được dùng ĐTDĐ
2. Mất khả năng kiểm soát
3. Ngại giao tiếp
4. Gây ra những hậu quả tiêu cực trong khía cạnh xã hội, gia đình, công việc, và tài chính do bị chi phối bởi ĐTDĐ
5. Ngoài ra còn có một dấu hiệu thứ 5 là hệ quả xã hội của việc nghiện ĐTDĐ đó là sự lệ thuộc vào bạn bè đồng trang lứa

3. Một số hậu quả điển hình của việc nghiện ĐTDĐ

Nhà khoa học Sanjeev Davey và Anuradha Davey thuộc khoa Y Khoa Cộng Đồng tại trường Y/Bệnh Viện Muzaffarnagar, Ấn Độ công bố kết quả nghiên cứu mức độ nghiện ĐTDĐ của thanh thiếu niên Ấn Độ là 33%-44%. Và điều này không những ảnh hưởng xấu đến những kỹ năng giao tiếp của các em mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng như dẫn đến những tác động tiêu cực về mặt tâm lý nữa.

Sau đây là một số hậu quả điển hình nhất của chứng nghiện ĐTDĐ:

+ Tai nạn giao thông: việc sử dụng ĐTDĐ khi lái xe đã bị cấm và bị xem là phạm pháp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chỉ cần bạn trả lời một tin nhắn ngắn gọn 1 chữ như “OK” cũng mất ít nhất 5 giây và thời gian đó đủ để một tai nạn giao thông xảy ra. Theo một kết quả khảo sát trên 1000 người lái xe ô tô vào năm 2014 vừa qua trong chương trình “Vì Cộng Đồng Ô Tô Việt” thì có đến hơn 31% thừa nhận họ có nhắn tin khi đang lái xe.

+ Nợ nần: do việc thường xuyên thay đổi ĐTDĐ theo trào lưu, trả tiền mua các app mới, hay trả tiền mua hàng hóa ảo trong các trò chơi điện tử, v…v…

+ Mất tập trung: trong việc học hành, công việc, quan hệ cá nhân, v…v… dẫn đến việc hoạt động kém hiệu quả trong mọi lãnh vực, thậm chí ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tâm lý của bản thân.

+ Giao tiếp kém: khả năng tương tác và giao tiếp bằng ngôn ngữ với những người xung quanh bị suy giảm.

Còn đây là một phim hoạt hình về chứng nghiện ĐTDĐ và những hậu quả tai hại của nó. Các bạn xem thử nhé! https://www.youtube.com/watch?v=6Mwpmjf6cwE

4. Một số câu hỏi tự trắc nghiệm xem bạn có đang bị nghiện ĐTDĐ hay không

Sau đây là 27 câu khẳng định mà chuẩn MPPUS đưa ra để bạn có thể tự xác định xem mình có đang mắc chứng nghiện ĐTDĐ không nhé! ;)

1. Tôi không bao giờ cảm thấy chán dùng ĐTDĐ.
2. Tôi dùng ĐTDĐ để cảm thấy vui hơn mỗi khi buồn.
3. Tôi dành thời gian cho ĐTDĐ trong khi lẽ ra tôi phải dành thời gian đó để làm việc khác, và điều này dẫn đến rắc rối cho tôi.
4. Tất cả bạn bè tôi đều dùng ĐTDĐ.
5. Tôi cố tình muốn dấu bạn bè về lượng thời gian tôi dán mắt vào ĐTDĐ.
6. Tôi mất ngủ vì dùng ĐTDĐ quá nhiều.
7. Tôi tốn tiền vì ĐTDĐ và không có khả năng chi trả chi phí đó.
8. Khi ĐTDĐ của tôi nằm ngoài vùng phủ sóng, tôi cảm thấy lo lắng rằng mình sẽ vuột mất một cuộc gọi của ai đó.
9. Khi tôi vừa dùng ĐTDĐ và vừa làm việc gì đó khác, tôi bị mất tập trung và không biết mình đang làm gì nữa.
10. Thời gian tôi dùng ĐTDĐ ngày một tăng dần lên trong vòng 12 tháng qua.
11. Tôi dùng ĐTDĐ như một công cụ giao tiếp với những người khác khi tôi cảm thấy bị cô lập.
12. Tôi đã cố giảm bớt lượng thời gian dành cho ĐTDĐ nhưng không được.
13. Tôi cảm thấy rất khó để mà có thể tắt ĐTDĐ đi được một lúc.
14. Tôi cảm thấy bồn chồn không yên nếu tôi không kiểm tra tin nhắn hay bật ĐTDĐ lên xem trong một lúc lâu.
15. Tôi thường hay có những giấc mơ về ĐTDĐ.
16. Bạn bè và gia đình đã và đang phàn nàn về việc tôi dùng ĐTDĐ quá nhiều.
17. Nếu tôi không có ĐTDĐ, tôi sợ bạn bè sẽ khó liên lạc được với tôi.
18. Năng suất lao động của tôi bị giảm sút do việc tôi dành nhiều thời gian cho ĐTDĐ.
19. Tôi bị đau nhức ở một số nơi trên cơ thể do việc sử dụng ĐTDĐ.
20. Tôi nhận thấy mình dành nhiều thời gian cho ĐTDĐ hơn tôi dự định.
21. Có những lúc tôi thà dành thời gian cho ĐTDĐ hơn là giải quyết một số vấn đề khác cấp bách hơn.
22. Tôi thường bị trễ hẹn vì tôi bị cuốn vào ĐTDĐ.
23. Tôi trở nên dễ cáu bẳn nếu tôi phải tắt điện thoại khi họp hành, ăn tối, hay xem phim.
24. Đã có người nói với tôi rằng tôi dành quá nhiều thời gian cho ĐTDĐ.
25. Tôi đã gặp rắc rối khi ĐTDĐ của tôi reng lên trong cuộc họp, lớp học, hay rạp chiếu phim.
26. Bạn bè tôi không thích khi tôi tắt điện thoại.
27. Tôi cảm thấy mất phương hướng trong cuộc sống khi không có ĐTDĐ.

Theo nhà khoa học Baroness Susan Greenfield, tác giả của quyển “Mind Change” (Thay Đổi Tư Duy), thời đại kỹ thuật số này có khả năng thay đổi não chúng ta theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực: “Nếu chúng ta không nói chuyện với nhau mặt đối mặt, sẽ rất khó để thiết lập sự đồng cảm giữa người với người.” Và điều này góp phần giải thích tại sao chất “người” trong nhân loại sẽ có nguy cơ bị suy giảm dần khi máy móc lên ngôi! 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Quinvaxem, Pentaxim, Hay Là Không Nên Tiêm Chủng Nữa?

Hôm rồi ăn cơm với đứa cháu mới có con được mấy tháng, và cô bé tâm sự là không dám cho con đi chích ngừa vì quá sợ hãi Quinvaxem, sau khi đọc các bài báo về việc Quinvaxem dẫn đến tử vong ở trẻ em gần đây. Một số người bạn có điều kiện hơn thì đã đem con đi chích dịch vụ để được chích Pentaxim, và khi dịch vụ ở Việt Nam hết thuốc, thì họ đem con qua nước ngoài (Singapore, hay thậm chí Mỹ) để chích.  Bất kỳ cha mẹ các bé chọn phương án nào, Quinvaxem hay Pentaxim, thì đều với mong muốn tạo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho bé trong khả năng có thể, và điều đó là hoàn toàn đáng trân trọng.  Riêng việc không cho bé chích ngừa vì sợ bé chết do thuốc thì bạn đang đặt bé vào một tình thế còn nguy hiểm hơn, với xác suất tử vong cao hơn nhiều. Tuy nhiên, tất cả đều là chọn lựa của riêng bạn, và mình sẽ đưa thông tin để các bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho bé nhé! 1. Nguồn gốc? Quinvaxem: sản xuất tại Hàn Quốc bởi công ty Crucell, thuộc tập đoàn Johnson & Johnson, Mỹ và côn...

Căn Bệnh Ung Thư Lớn Nhất Của Tâm Hồn: Cô Đơn

1. Đại dịch “cô đơn” cũng không kém cạnh gì đại dịch “béo phì” Theo một kết quả nghiên cứu của khoa Tâm Lý Học trường  Brigham Young University tại Mỹ vào tháng 3/2015 vừa qua dựa trên phân tích các dữ liệu của 3 triệu người trên toàn thế giới trong vòng 34 năm (1/1980-2/2014), sự cô lập xã hội, cô đơn, và lối sống đơn chiếc sẽ có khả năng trở thành đại dịch mới của thế giới vào năm 2030, tương đương với đại dịch béo phì, nếu tình hình các mối quan hệ xã hội của con người trong hiện tại không được xem xét và cứu chữa một cách nghiêm túc. Sự cô lập xã hội, cô đơn, lối sống đơn chiếc làm tăng nguy cơ tử vong của con người lần lượt là 29%, 26%, và 32%, thậm chí còn có tác dụng xấu lên sức khỏe không khác gì tác hại của việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày hay bị nghiện rượu. Không chỉ dừng lại ở đó, trong quyển sách “Đuổi Theo Tiếng Thét: Những Ngày Đầu và Cuối Của Cuộc Chiến Chống Thuốc Gây Nghiện” (Chasing the Scream: The First and Last Days of the War on Drugs) được xuất bản đầu năm ...

El Niño Hay Con Người Giết Cá?

El Niño hiểu đơn giản là hiện tượng nóng lên của vùng xích đạo Thái Bình Dương tập trung ở khu vực trung tâm và phía đông của đại dương này. Trung bình cứ 2 đến 7 năm sẽ có một đợt El Niño. Mỗi đợt El Niño sẽ gây ra những hậu quả nặng nhẹ khác nhau, rất khó để dự đoán. Nhìn chung, El Niño sẽ có thể gây ra bão, lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, nạn đói, mùa màng thất bát, các giống loài bị phân bổ lại, động vật bị chết hàng loạt, cá chết hàng loạt, và san hô bị tẩy trắng (không hẳn là chết nhưng nếu bị tẩy trắng quá lâu thì cũng sẽ chết). Đợt El Niño năm 1997-98 là đợt nóng kinh khủng nhất trong lịch sử của El Niño, được gọi là Siêu El Niño, và gây hậu quả nghiêm trọng nhất bao gồm: bão nhiệt đới ở miền Đông Canada và Mỹ, lũ ở Trung Quốc, cháy rừng ở Úc, dịch sốt xuất huyết bùng nổ ở Tây Thái Bình Dương và Châu Á, hơn 35 nước tuyên bố có thiên tai, mùa màng thất bát, đất đai mất chất, ô nhiễm sông ngòi, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dẫn đến đói kém, cá chết hàng loạt ở nhiều nơi trên th...