Chuyển đến nội dung chính

Làm Sao Để Tạo Ra Những Đứa Con Hạnh Phúc Và Thành Công?

Theo các nghiên cứu tổng hợp của trường cao học về Giáo Dục tại trường đại học Harvard, Mỹ, thì từ khi còn bé, con người đã có sẵn khả năng đồng cảm (empathy), quan tâm đến người khác (caring), và bao dung (compassion). Tuy nhiên, để những đứa bé ấy lớn lên và trở thành những con người trưởng thành với những đức tính đạo đức ấy thì cần sự giúp đỡ rất nhiều từ phía cha mẹ và gia đình.

Vậy tại sao con người cần có những đức tính trên? Vì nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng những nhân cách đạo đức ấy sẽ giúp con người sống hạnh phúc hơn và thành công hơn về mọi mặt trong cuộc sống. 



Trong bài viết này, Harvard đã đưa ra 7 lời khuyên để giúp các bậc cha mẹ có thể giúp con mình thành những con người hạnh phúc và thành công về mọi mặt trong cuộc sống như sau:

1. Dành thời gian quan tâm và yêu thương con


Vì khi những đứa trẻ được quan tâm và yêu thương, chúng cũng sẽ trở nên như thế! 

Gợi ý cụ thể: 
- chọn ra một thời gian cố định trong ngày để dành riêng cho con
- chú ý hỏi thăm con nghĩ gì, cảm thấy gì, thích gì, và không thích gì mỗi ngày
- công nhận những nỗ lực và thành tựu của con 
- tôn trọng sự riêng tư của con

2. Trở thành hình mẫu cho con 


Vì con bạn sẽ luôn nhìn theo bạn và học hỏi từ bạn. Và chúng sẽ chỉ muốn trở nên như bạn nếu chúng tin tưởng và tôn trọng bạn. Nghĩa là bạn cần luôn cố gắng thể hiện sự trung thực, công bằng, tự ý thức những sai lầm của bản thân và kiểm soát nóng giận để làm bản thân tốt hơn mỗi ngày cho bạn và cho con!

Gợi ý cụ thể: 
- tham gia các hoạt động mang tính cộng đồng để giúp đỡ người khác
- trung thực và khiêm tốn, xin lỗi con khi mình làm sai
- tham khảo những người bạn tin tưởng nếu bạn cảm thấy quá khó để làm người đạo đức 
- thiền, đi bộ, tập thể thao v...v... để xả stress chứ đừng xả stress lên gia đình, con cái

3. Giúp con đưa việc quan tâm chăm sóc người khác lên hàng đầu


Vì khi con bạn hiểu đó là điều quan trọng nhất, chúng sẽ luôn cố gắng để làm điều đó.   

Gợi ý cụ thể:
- hãy thường xuyên nói với con rằng bạn sẽ rất vui nếu con là người hạnh phúc và tốt bụng!
- hãy luôn hỏi thăm xem con cư xử thế nào với bạn học, bạn chơi
- khuyến khích con tự suy nghĩ xem những quyết định của con sẽ ảnh hưởng thế nào đến những người xung quanh 

4. Tạo cơ hội thường xuyên cho con thể hiện sự biết ơn


Vì nghiên cứu cho thấy khi bé càng biết thể hiện sự biết ơn thì sau này bé sẽ càng rộng rãi, bao dung, hạnh phúc, và thành công hơn! Và việc thực hành lòng biết ơn mỗi ngày là cách hiệu quả nhất để con bạn trở nên như thế. 

Gợi ý cụ thể: 
- để con làm việc nhà mỗi ngày mà không cần phải có thưởng, và chỉ khen ngợi khi con làm việc gì đó tốt bụng
- hãy hỏi con xem những sự việc con thấy trước mắt là nên hay không nên và giúp con nhận ra đâu là việc nên làm
- hãy nói cám ơn thật thường xuyên và dạy con nói cám ơn ở mọi nơi, với mọi người

5. Nới rộng vòng tròn quan tâm của con



Vì đa số trẻ con thường quan tâm đến gia đình và bạn bè quanh chúng mà thôi. Chúng cần được hiểu rằng ngoài vòng tròn đó, mọi hành động của chúng còn ảnh hưởng đến cộng đồng, đến xã hội nữa. 

Gợi ý cụ thể: 
- hãy hướng dẫn con bạn quan tâm đến cảm xúc của những người khác bé, ví dụ như một bạn không nghe nói được, hay một bạn thiếu chân, thiếu tay, hay một bạn đang khóc vì bị các bạn khác trêu chọc
- dùng những câu chuyện từ báo đài, tivi để giúp con bạn hiểu về những đứa bé kém may mắn hơn ở những nơi khác
- khuyên con nên kiên nhẫn lắng nghe, cho dù đó là những người không quen thuộc với bé

6. Giúp con trở thành người có suy nghĩ đạo đức và có khả năng tạo ảnh hưởng tích cực lên cộng đồng


Vì trẻ con có sẵn bản năng quan tâm đến các câu hỏi về đạo đức và rất quan tâm đến việc làm sao để thành người lãnh đạo đem lại những điều tốt lành cho cộng đồng của chúng. 

Gợi ý cụ thể:
- cùng ngồi suy nghĩ, nói chuyện với con để giúp bé tự đưa ra quyết định về một việc gì đó dựa trên những suy nghĩ, lập luận của bạn và con về các chuẩn mực đạo đức
- khuyến khích con bạn chống lại những việc sai trái như ức hiếp bạn bè
- tạo cơ hội cho con tham gia quyên góp vì một mục đích tốt đẹp như quyên góp cho đồng bào bị lũ lụt chẳng hạn

7. Giúp con tự kiểm soát cảm xúc hiệu quả


Vì chỉ khi con có thể kiểm soát sự giận dữ, ham muốn, thất vọng, buồn rầu, và những cảm xúc tiêu cực khác thì bé mới có thể nhớ đến việc quan tâm người khác. 

Gợi ý cụ thể:
- giúp con gọi tên những cảm xúc của mình và giúp con hiểu tại sao bé lại cảm thấy như thế
- dạy con thực hành kiểm soát cảm xúc tiêu cực bằng 3 bước sau khi con đang vui vẻ : dừng lại mọi thứ, hít vào bằng mũi thở ra bằng miệng, và đếm từ 1 đến 5
- thực hành giải quyết xung đột mà con và bạn tình cờ thấy trên đường hay trên tivi qua việc nói chuyện với con để hiểu con nghĩ gì, và giúp con hiểu bạn nghĩ gì
- đặt rõ những giới hạn mà con bạn không thể vi phạm và giải thích cho bé hiểu bạn cần phải làm thế vì muốn tốt cho bé

Các bạn có thể xem bài tiếng Anh chi tiết hơn ở đây nhé!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Quinvaxem, Pentaxim, Hay Là Không Nên Tiêm Chủng Nữa?

Hôm rồi ăn cơm với đứa cháu mới có con được mấy tháng, và cô bé tâm sự là không dám cho con đi chích ngừa vì quá sợ hãi Quinvaxem, sau khi đọc các bài báo về việc Quinvaxem dẫn đến tử vong ở trẻ em gần đây. Một số người bạn có điều kiện hơn thì đã đem con đi chích dịch vụ để được chích Pentaxim, và khi dịch vụ ở Việt Nam hết thuốc, thì họ đem con qua nước ngoài (Singapore, hay thậm chí Mỹ) để chích.  Bất kỳ cha mẹ các bé chọn phương án nào, Quinvaxem hay Pentaxim, thì đều với mong muốn tạo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho bé trong khả năng có thể, và điều đó là hoàn toàn đáng trân trọng.  Riêng việc không cho bé chích ngừa vì sợ bé chết do thuốc thì bạn đang đặt bé vào một tình thế còn nguy hiểm hơn, với xác suất tử vong cao hơn nhiều. Tuy nhiên, tất cả đều là chọn lựa của riêng bạn, và mình sẽ đưa thông tin để các bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho bé nhé! 1. Nguồn gốc? Quinvaxem: sản xuất tại Hàn Quốc bởi công ty Crucell, thuộc tập đoàn Johnson & Johnson, Mỹ và côn...

Căn Bệnh Ung Thư Lớn Nhất Của Tâm Hồn: Cô Đơn

1. Đại dịch “cô đơn” cũng không kém cạnh gì đại dịch “béo phì” Theo một kết quả nghiên cứu của khoa Tâm Lý Học trường  Brigham Young University tại Mỹ vào tháng 3/2015 vừa qua dựa trên phân tích các dữ liệu của 3 triệu người trên toàn thế giới trong vòng 34 năm (1/1980-2/2014), sự cô lập xã hội, cô đơn, và lối sống đơn chiếc sẽ có khả năng trở thành đại dịch mới của thế giới vào năm 2030, tương đương với đại dịch béo phì, nếu tình hình các mối quan hệ xã hội của con người trong hiện tại không được xem xét và cứu chữa một cách nghiêm túc. Sự cô lập xã hội, cô đơn, lối sống đơn chiếc làm tăng nguy cơ tử vong của con người lần lượt là 29%, 26%, và 32%, thậm chí còn có tác dụng xấu lên sức khỏe không khác gì tác hại của việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày hay bị nghiện rượu. Không chỉ dừng lại ở đó, trong quyển sách “Đuổi Theo Tiếng Thét: Những Ngày Đầu và Cuối Của Cuộc Chiến Chống Thuốc Gây Nghiện” (Chasing the Scream: The First and Last Days of the War on Drugs) được xuất bản đầu năm ...

El Niño Hay Con Người Giết Cá?

El Niño hiểu đơn giản là hiện tượng nóng lên của vùng xích đạo Thái Bình Dương tập trung ở khu vực trung tâm và phía đông của đại dương này. Trung bình cứ 2 đến 7 năm sẽ có một đợt El Niño. Mỗi đợt El Niño sẽ gây ra những hậu quả nặng nhẹ khác nhau, rất khó để dự đoán. Nhìn chung, El Niño sẽ có thể gây ra bão, lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, nạn đói, mùa màng thất bát, các giống loài bị phân bổ lại, động vật bị chết hàng loạt, cá chết hàng loạt, và san hô bị tẩy trắng (không hẳn là chết nhưng nếu bị tẩy trắng quá lâu thì cũng sẽ chết). Đợt El Niño năm 1997-98 là đợt nóng kinh khủng nhất trong lịch sử của El Niño, được gọi là Siêu El Niño, và gây hậu quả nghiêm trọng nhất bao gồm: bão nhiệt đới ở miền Đông Canada và Mỹ, lũ ở Trung Quốc, cháy rừng ở Úc, dịch sốt xuất huyết bùng nổ ở Tây Thái Bình Dương và Châu Á, hơn 35 nước tuyên bố có thiên tai, mùa màng thất bát, đất đai mất chất, ô nhiễm sông ngòi, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dẫn đến đói kém, cá chết hàng loạt ở nhiều nơi trên th...