Chuyển đến nội dung chính

Tại Sao Pentaxim Vẫn Chưa Thay Thế Quinvaxem?


Sau bài viết về "Quinvaxem (Q), Pentaxim (P), hay là không nên tiêm chủng nữa?" thì có một số bạn đã có hỏi tiếp rằng "Tại sao P bị hạn chế nhập ở Việt Nam?" và "Tại sao Việt Nam không dùng P thay thế cho Q?" Đây không hẳn là một câu trả lời rõ ràng, nhưng mình lần nữa muốn đưa thông tin để các bạn có thể tự đưa ra câu trả lời nhé! 

Theo các nhà chức trách tại Việt Nam thì P không bị hạn chế nhập, còn thực hư thế nào thì điều đó nằm ngoài phạm vi hiểu biết của mình. Tuy nhiên, các bạn nên biết thêm một vài điểm sau để hiểu rõ hơn tình hình chung:

1. Giá thành 
P mắc hơn rất nhiều so với Q (500 ngàn vs. 77 ngàn) nên việc bỏ 2 triệu ra chích 4 mũi P cho con là một vấn đề không đơn giản ở một nước mà thu nhập trung bình hằng tháng là 3.8 triệu VNĐ theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới năm 2014. 

Theo thống kê tại Việt Nam thì mỗi năm có khoảng 1.6 triệu bé tiêm Q theo chương trình Tiêm Chủng Mở Rộng (TCMR) của Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới (WHO) và chỉ có khoảng 100 ngàn bé tiêm P qua dịch vụ. Do đó, nhu cầu tiêm P ở Việt Nam là không cao. 

2. Cung ảnh hưởng bởi cầu
Nhà sản xuất vắc xin dựa trên nhu cầu dự đoán của các nước sử dụng để sản xuất lượng vắc xin phù hợp mỗi năm cho nước đó. Từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu sử dụng Q đại trà, cung cấp miễn phí bởi chương trình TCMR nên nhu cầu tiêm P có lẽ cũng giảm so với trước đó, và do đó nhà sản xuất cũng phải giảm lượng P cung cấp cho thị trường Việt Nam. 

Đến khi có những ca tử vong bị nghi ngờ do Q gây ra thì nhu cầu tiêm P mới tăng đột biến, và do đó, nhà sản xuất không thích ứng kịp (ngay cả khi các nhà phân phối muốn nhập nhiều hơn), dẫn đến khan hiếm thuốc là điều dễ hiểu. 

3. Vấn đề chung của các nước đang phát triển
Để thay thế P hoàn toàn cho Q là điều cực khó vì mỗi năm có khoảng 1.6 triệu trẻ em Việt cần được tiêm (1.6 triệu bé x 4 lần) 6.4 triệu mũi Q. Hiện tại, WHO sử dụng Q cho chương trình TCMR để tài trợ vắc xin miễn phí cho hơn 90 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Do đó, nếu đổi thì WHO sẽ phải đổi cho cả hơn 90 nước chứ không riêng gì Việt Nam, chưa kể đến chuyện một mũi P mắc gấp 6.5 lần một mũi Q. 

Còn nếu Việt Nam nhất quyết muốn thay toàn bộ mũi chích Q bằng P thì có lẽ chính phủ Việt Nam sẽ phải tự thân vận động. Đó sẽ là một khoản không hề nhỏ cho một nước đang phát triển nếu muốn xoá bỏ các bệnh lây nhiễm. Nếu nước mình có đủ khả năng tài chính để cung cấp Q miễn phí cho cả nước thì WHO đã không phải viện trợ Q rồi, nói chi đến P. 

4. Giảm cung, tăng cầu 
Sản xuất vắc xin là một ngành công nghiệp không đem lại lợi nhuận cao mà rủi ro lại lớn nên số hãng sản xuất vắc xin ngày càng giảm, và đẩy áp lực cung cấp vắc xin lên các hãng lớn còn trụ lại, trong đó có hãng Sanofi Pasteur, công ty sản xuất vắc xin P. Do đó, việc sản xuất vắc xin không kịp nhu cầu, nếu có, là dễ hiểu.

5. Sự cố trong khâu sản xuất
Năm 2013, hãng Sanofi Pasteur bị một số trục trặc ở cơ sở sản xuất tại Toronto, Canada dẫn đến việc vắc xin Pentacel, phiên bản của P ở Mỹ, bị thiếu hụt. Hay thậm chí việc sản xuất vắc xin chống lao (BCG) của hãng này cũng bị ngưng lại từ đó đến tận năm nay 2015. 

Do đó, việc P bị thiếu hụt cũng không nằm ngoài khả năng là do những sự cố ngoài dự đoán trong khâu sản xuất. Mà những sự cố này đôi khi là thông tin nội bộ, khó mà lọt ra ngoài trừ khi nó là một biến cố nghiêm trọng như sự cố năm 2013.

6. P không bảo đảm sẽ không có tử vong sau khi tiêm
Pentacel, phiên bản của P tại Mỹ, được cấp giấy phép tại Mỹ từ ngày 20/6/2008. Trước đó trong quá trình thử nghiệm Pentacel tại Mỹ, đã có 4 ca tử vong nhưng đều đã được kết luận là không phải do Pentacel. 

Từ 20/6/2008 đến 21/10/2009, đã có 170 ca nguy kịch, trong đó, 26 ca dẫn đến tử vong của trẻ từ 6 tuần tuổi đến 4 tuổi được báo cáo sau khi tiêm Pentacel. Đây là thông tin lấy từ bản báo cáo ngày 19/2/2010 của Cơ Quan Thực Phẩm và Thuốc của Mỹ (FDA) về những trường hợp sức khoẻ nguy kịch hay tử vong đã xảy ra sau khi tiêm Pentacel. 

Trong 26 ca tử vong đó, 12 ca là do đột tử không lý do (SIDS), 2 ca do những điều kiện di truyền bẩm sinh, 2 ca do nhiễm trùng đường hô hấp, 2 ca do ngộp thở, 2 ca không rõ lý do, 1 ca do thiếu oxy lên não, 1 ca do tim ngừng đập không rõ nguyên do, 1 ca do cơ tim giãn nở, 1 ca không có thông tin, và 2 ca thông tin chưa xác minh. 

Bản báo cáo này đã kết luận không có gì mới đáng lo ngại về việc tiếp tục sử dụng Pentacel, do đó, Pentacel vẫn được sử dụng cho chương trình tiêm chủng của Mỹ đến thời điểm hiện tại. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Quinvaxem, Pentaxim, Hay Là Không Nên Tiêm Chủng Nữa?

Hôm rồi ăn cơm với đứa cháu mới có con được mấy tháng, và cô bé tâm sự là không dám cho con đi chích ngừa vì quá sợ hãi Quinvaxem, sau khi đọc các bài báo về việc Quinvaxem dẫn đến tử vong ở trẻ em gần đây. Một số người bạn có điều kiện hơn thì đã đem con đi chích dịch vụ để được chích Pentaxim, và khi dịch vụ ở Việt Nam hết thuốc, thì họ đem con qua nước ngoài (Singapore, hay thậm chí Mỹ) để chích.  Bất kỳ cha mẹ các bé chọn phương án nào, Quinvaxem hay Pentaxim, thì đều với mong muốn tạo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho bé trong khả năng có thể, và điều đó là hoàn toàn đáng trân trọng.  Riêng việc không cho bé chích ngừa vì sợ bé chết do thuốc thì bạn đang đặt bé vào một tình thế còn nguy hiểm hơn, với xác suất tử vong cao hơn nhiều. Tuy nhiên, tất cả đều là chọn lựa của riêng bạn, và mình sẽ đưa thông tin để các bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho bé nhé! 1. Nguồn gốc? Quinvaxem: sản xuất tại Hàn Quốc bởi công ty Crucell, thuộc tập đoàn Johnson & Johnson, Mỹ và côn...

Căn Bệnh Ung Thư Lớn Nhất Của Tâm Hồn: Cô Đơn

1. Đại dịch “cô đơn” cũng không kém cạnh gì đại dịch “béo phì” Theo một kết quả nghiên cứu của khoa Tâm Lý Học trường  Brigham Young University tại Mỹ vào tháng 3/2015 vừa qua dựa trên phân tích các dữ liệu của 3 triệu người trên toàn thế giới trong vòng 34 năm (1/1980-2/2014), sự cô lập xã hội, cô đơn, và lối sống đơn chiếc sẽ có khả năng trở thành đại dịch mới của thế giới vào năm 2030, tương đương với đại dịch béo phì, nếu tình hình các mối quan hệ xã hội của con người trong hiện tại không được xem xét và cứu chữa một cách nghiêm túc. Sự cô lập xã hội, cô đơn, lối sống đơn chiếc làm tăng nguy cơ tử vong của con người lần lượt là 29%, 26%, và 32%, thậm chí còn có tác dụng xấu lên sức khỏe không khác gì tác hại của việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày hay bị nghiện rượu. Không chỉ dừng lại ở đó, trong quyển sách “Đuổi Theo Tiếng Thét: Những Ngày Đầu và Cuối Của Cuộc Chiến Chống Thuốc Gây Nghiện” (Chasing the Scream: The First and Last Days of the War on Drugs) được xuất bản đầu năm ...

El Niño Hay Con Người Giết Cá?

El Niño hiểu đơn giản là hiện tượng nóng lên của vùng xích đạo Thái Bình Dương tập trung ở khu vực trung tâm và phía đông của đại dương này. Trung bình cứ 2 đến 7 năm sẽ có một đợt El Niño. Mỗi đợt El Niño sẽ gây ra những hậu quả nặng nhẹ khác nhau, rất khó để dự đoán. Nhìn chung, El Niño sẽ có thể gây ra bão, lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, nạn đói, mùa màng thất bát, các giống loài bị phân bổ lại, động vật bị chết hàng loạt, cá chết hàng loạt, và san hô bị tẩy trắng (không hẳn là chết nhưng nếu bị tẩy trắng quá lâu thì cũng sẽ chết). Đợt El Niño năm 1997-98 là đợt nóng kinh khủng nhất trong lịch sử của El Niño, được gọi là Siêu El Niño, và gây hậu quả nghiêm trọng nhất bao gồm: bão nhiệt đới ở miền Đông Canada và Mỹ, lũ ở Trung Quốc, cháy rừng ở Úc, dịch sốt xuất huyết bùng nổ ở Tây Thái Bình Dương và Châu Á, hơn 35 nước tuyên bố có thiên tai, mùa màng thất bát, đất đai mất chất, ô nhiễm sông ngòi, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dẫn đến đói kém, cá chết hàng loạt ở nhiều nơi trên th...