Chuyển đến nội dung chính

Thời Đại Của Biến Đổi Gen Người: Đã Đến Lúc Hay Chưa?

Ngày 22/4/2015 vừa qua, một nhóm các nhà khoa học tại Trung Quốc, dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu gen Junjiu Huang tại đại học Sun Yat-sen (Tôn Dật Tiên) tỉnh Quảng Đông, đã công bố kết quả của thí nghiệm biến đổi gen từ trong phôi thai người đầu tiên trên thế giới qua tạp chí khoa học Protein & Cell. Theo lời của một nguồn tin từ Trung Quốc thì hiện tại có ít nhất 4 nhóm nghiên cứu khác trong nước đang theo đuổi việc biến đổi gen từ trong phôi thai người này! Ngoài ra, trên thế giới cũng có những tin đồn rằng có những nhóm các nhà khoa học khác đã hoặc đang tiến hành những nghiên cứu tương tự trong bí mật. 

Vậy họ đã làm điều đó thế nào?



1. Chọn lựa phôi thai

Để tránh những tranh luận về vấn đề đạo đức, nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Huang đã sử dụng những phôi thai người được thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đã bị loại bỏ vì có 2 tinh trùng trong một trứng, dẫn đến việc tế bào phôi thai này tuy vẫn phát triển được nhưng sẽ không sống được thành người. 

Điều này tuy nhiên cũng là một hạn chế vì thí nghiệm trên phôi thai lỗi sẽ có khả năng đưa ra những kết quả không chính xác, và do đó, kết quả nhận được có thể sẽ không áp dụng được trên phôi thai bình thường. 

Những phôi thai lỗi này ngoài ra còn bị đột biến gen HBB, dẫn đến chứng bệnh di truyền về máu gây tử vong gọi là β-thalassaemia. Và đây cũng chính là gen mục tiêu mà nhóm nghiên cứu này sẽ thay đổi.

2. Sửa chữa gen bị lỗi 

Tiếp đó họ tiêm vào những phôi thai này một tổ hợp chất xúc tác gọi là CRISPR/Cas9. Tổ hợp chất này có khả năng nhận diện gen bị lỗi, cắt bỏ nó, và thay thế đoạn gen lỗi ấy bằng một đoạn gen bình thường.

Tổ hợp CRISPR/Cas9 này đã được sử dụng nhiều trong nghiên cứu tế bào người trưởng thành và tế bào phôi thai động vật. Nhưng đây là lần đầu tiên nó được dùng trên tế bào phôi thai người.

3. Kiểm tra kết quả 

Sau khi tiêm CRISPR/Cas9 vào tế bào phôi thai, họ chờ 48 tiếng để tổ hợp xúc tác này có đủ thời gian "hành động" và tế bào phôi thai có đủ thời gian để nhân lên thành 8 tế bào. 

Trong 86 phôi thai được tiêm tổ hợp xúc tác, 71 phôi thai sống sót, 54 trong số đó được kiểm tra gen, chỉ có 28 trong số 54 đó đã được cắt bỏ gen lỗi, và chỉ một phần nhỏ trong số 28 phôi thai trên được thay thế bởi gen lành mạnh, bình thường. Nếu muốn sử dụng phương pháp này trên người thì tỉ lệ thành công phải rất gần với 100%. Nên theo kết luận của nhóm này, phương pháp này vẫn cần phải được cải thiện về nhiều mặt. 

Ngoài ra họ còn tìm ra những biến đổi gen nằm ngoài gen mục tiêu, gây ra do tổ hợp chất xúc tác được tiêm vào. Điều này đồng nghĩa với việc phương pháp biến đổi gen này vẫn chưa có khả năng hoạt động tối ưu trên phôi thai người. Và như vậy sẽ rất nguy hiểm vì những đột biến gen không mong muốn ấy có thể dẫn đến những biến đổi nguy hiểm không lường trước được hậu quả ở người. 

Kết quả này cũng gợi nhớ đến một thử nghiệm biến đổi gen đầu tiên trên thế giới cho 20 em bé bị nhiễm bệnh di truyền tự miễn dịch X-SCID được công bố vào năm 2002. Trong số 20 em được chữa trị, 18 em đã có lại được hệ thống miễn dịch bình thường, nhưng 5 em trong số đó bị bệnh ung thư máu trắng (leukemia) gây ra do một biến đổi gen nằm ngoài mục tiêu (off-target) tạo bởi chính phương pháp chữa trị.   

4. Khoa học và đạo đức

Câu hỏi muôn thuở của việc biến đổi gen từ trong phôi thai người là nên hay không nên? Cũng như với việc sinh sản vô tính ở người, luôn có một làn ranh giới mỏng manh giữa những mục đích tốt đẹp và đen tối của nghiên cứu này! 

Phía những người ủng hộ thì cho rằng nếu phương pháp này thành công thì sẽ chữa được vô số những bệnh di truyền từ trước khi đứa bé được sinh ra. Còn phía những người phản đối thì cho rằng việc nghiên cứu thay đổi gen từ trong phôi thai sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường ngoài tầm kiểm soát gây nguy hại đến mạng sống, hoặc thậm chí sẽ cổ súy cho việc tạo ra những "siêu con người" phục vụ cho những mục đích không chính đáng. 

Cũng vì lý do đạo đức này mà kết quả nghiên cứu trên đã bị hai tạp chí khoa học danh tiếng nhất thế giới là Nature và Science từ chối xuất bản.

Còn bạn, bạn nghĩ sao? 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Quinvaxem, Pentaxim, Hay Là Không Nên Tiêm Chủng Nữa?

Hôm rồi ăn cơm với đứa cháu mới có con được mấy tháng, và cô bé tâm sự là không dám cho con đi chích ngừa vì quá sợ hãi Quinvaxem, sau khi đọc các bài báo về việc Quinvaxem dẫn đến tử vong ở trẻ em gần đây. Một số người bạn có điều kiện hơn thì đã đem con đi chích dịch vụ để được chích Pentaxim, và khi dịch vụ ở Việt Nam hết thuốc, thì họ đem con qua nước ngoài (Singapore, hay thậm chí Mỹ) để chích.  Bất kỳ cha mẹ các bé chọn phương án nào, Quinvaxem hay Pentaxim, thì đều với mong muốn tạo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho bé trong khả năng có thể, và điều đó là hoàn toàn đáng trân trọng.  Riêng việc không cho bé chích ngừa vì sợ bé chết do thuốc thì bạn đang đặt bé vào một tình thế còn nguy hiểm hơn, với xác suất tử vong cao hơn nhiều. Tuy nhiên, tất cả đều là chọn lựa của riêng bạn, và mình sẽ đưa thông tin để các bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho bé nhé! 1. Nguồn gốc? Quinvaxem: sản xuất tại Hàn Quốc bởi công ty Crucell, thuộc tập đoàn Johnson & Johnson, Mỹ và côn...

Căn Bệnh Ung Thư Lớn Nhất Của Tâm Hồn: Cô Đơn

1. Đại dịch “cô đơn” cũng không kém cạnh gì đại dịch “béo phì” Theo một kết quả nghiên cứu của khoa Tâm Lý Học trường  Brigham Young University tại Mỹ vào tháng 3/2015 vừa qua dựa trên phân tích các dữ liệu của 3 triệu người trên toàn thế giới trong vòng 34 năm (1/1980-2/2014), sự cô lập xã hội, cô đơn, và lối sống đơn chiếc sẽ có khả năng trở thành đại dịch mới của thế giới vào năm 2030, tương đương với đại dịch béo phì, nếu tình hình các mối quan hệ xã hội của con người trong hiện tại không được xem xét và cứu chữa một cách nghiêm túc. Sự cô lập xã hội, cô đơn, lối sống đơn chiếc làm tăng nguy cơ tử vong của con người lần lượt là 29%, 26%, và 32%, thậm chí còn có tác dụng xấu lên sức khỏe không khác gì tác hại của việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày hay bị nghiện rượu. Không chỉ dừng lại ở đó, trong quyển sách “Đuổi Theo Tiếng Thét: Những Ngày Đầu và Cuối Của Cuộc Chiến Chống Thuốc Gây Nghiện” (Chasing the Scream: The First and Last Days of the War on Drugs) được xuất bản đầu năm ...

El Niño Hay Con Người Giết Cá?

El Niño hiểu đơn giản là hiện tượng nóng lên của vùng xích đạo Thái Bình Dương tập trung ở khu vực trung tâm và phía đông của đại dương này. Trung bình cứ 2 đến 7 năm sẽ có một đợt El Niño. Mỗi đợt El Niño sẽ gây ra những hậu quả nặng nhẹ khác nhau, rất khó để dự đoán. Nhìn chung, El Niño sẽ có thể gây ra bão, lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, nạn đói, mùa màng thất bát, các giống loài bị phân bổ lại, động vật bị chết hàng loạt, cá chết hàng loạt, và san hô bị tẩy trắng (không hẳn là chết nhưng nếu bị tẩy trắng quá lâu thì cũng sẽ chết). Đợt El Niño năm 1997-98 là đợt nóng kinh khủng nhất trong lịch sử của El Niño, được gọi là Siêu El Niño, và gây hậu quả nghiêm trọng nhất bao gồm: bão nhiệt đới ở miền Đông Canada và Mỹ, lũ ở Trung Quốc, cháy rừng ở Úc, dịch sốt xuất huyết bùng nổ ở Tây Thái Bình Dương và Châu Á, hơn 35 nước tuyên bố có thiên tai, mùa màng thất bát, đất đai mất chất, ô nhiễm sông ngòi, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dẫn đến đói kém, cá chết hàng loạt ở nhiều nơi trên th...