Chuyển đến nội dung chính

Việt Nam Đang Ở Một Thời Khắc Mới Trong Việc Chống Dịch COVID-19


Nguồn hình: https://www.cattco.org/sites/default/files/term-images/3D_medical_animation_coronavirus_structure.jpg


1. Tại sao vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là GẦN NHƯ không thể ngăn chặn?

Trong một nghiên cứu xuất bản gần đây của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc, các nhà khoa học đã theo dõi 24 bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (qua xét nghiệm dùng kỹ thuật qRT-PCR) nhưng không hề có triệu chứng gì của COVID-19 hoặc triệu chứng rất nhẹ. Họ cũng truy ra các người bị lây nhiễm từ 24 bệnh nhân này để nghiên cứu. Một vài nhận định họ đưa ra là:

1. Người không hề có triệu chứng gì của COVID-19 vẫn có thể lây nhiễm cho người khác trong giai đoạn họ vẫn còn dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

2. Thời gian dương tính với vi rút SARS-CoV-2 của một trường hợp (bệnh nhân 13) lên đến 29 ngày. Nghĩa là người này không hề bị ho hay hắt xì, hay sốt, hoặc khó thở gì cả. Và vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh này trong suốt 29 ngày cơ thể của người này vẫn còn dương tính với vi rút SARS-CoV-2. 

3. Người bị lây nhiễm COVID-19 từ người không có triệu chứng vẫn có thể bị COVID-19 dạng nặng, với tình trạng viêm phổi nặng. 

4. Để giảm lây lan cần chú ý đến những ca không triệu chứng này nữa. Và cách hiệu quả để khẳng định một người không còn dương tính với SARS-CoV-2 là 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp với vi rút này bằng phương pháp qRT-PCR.

Tại sao phải là 2 lần liên tiếp? Vì việc xét nghiệm trên 24 người không triệu chứng này cho thấy đã có lúc họ có kết quả âm tính với lần kiểm tra thứ nhất nhưng đến lần kiểm tra thứ 2 lại dương tính trở lại. Điều này thực ra không phải là điều gì vô lý. Cơ thể có một đội quân để đánh nhau với vi rút lạ. Khi sắp thắng vẫn có thể thua. Chỉ khi nào thắng tuyệt đối thì vi rút mới bị loại bỏ. 

Trường hợp một tiếp viên hàng không của VN airline bị phát hiện dương tính với COVID-19 sau 3 lần xét nghiệm âm tính là một minh chứng cho điều này!

Tóm lại:

Người không có triệu chứng vẫn có thể dương tính với COVID-19 và có khả năng lây nhiễm cho người xung quanh trong vòng 29 ngày kể từ sau khi nhiễm vi rút. 

Do đó, để kiểm soát dịch hiệu quả thì tất cả những ai có nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc đã đi qua vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh đều cần phải được xét nghiệm xem có nhiễm COVID-19 hay không.

Những ai đã chữa trị xong cần phải được tiếp tục theo dõi và khẳng định âm tính với vi rút SARS-CoV-2 qua 2 lần thử liên tiếp.

Một nghiên cứu khác cho thấy vi rút SARS-CoV-2 biến đổi gen với tốc độ tiến hoá cao sau khi xâm nhập vật chủ. Điều này có thể góp phần giải thích tại sao một người đã âm tính vẫn có thể lại dương tính với vi rút này chỉ vài ngày sau đó. Chi tiết nghiên cứu này ở đây: https://academic.oup.com/cid/advance-article/doi/10.1093/cid/ciaa203/5780800

Chưa kể một nghiên cứu mới nhất cho thấy vi rút này có thể sống ổn định trong không khí đến 3 tiếng đồng hồ, trên bề mặt kim loại đồng đến 4 tiếng, trên bề mặt bìa cứng đến 24 tiếng, và trên nhựa cũng như các bề mặt kim loại thép không gỉ/inox từ 2-3 ngày. Chi tiết nghiên cứu ở đây: https://www.nejm.org/doi/10.1056/NEJMc2004973

Với một vi rút thông minh và có sức sống mãnh liệt như vậy, việc kiểm soát lây lan là gần như không thể, nhưng vẫn còn một cách: đó là giảm số lượng vật chủ mà vi rút có thể lây nhiễm. 

2. Tình hình thế giới diễn biến nặng

Hiện tại có tổng cộng 176 nước và lãnh thổ cùng với tàu Diamond Princess đang cập cảng ở Nhật có người bị nhiễm COVID-19. Tổng số ca nhiễm là 191,127 ca tính đến ngày 18/3 và 7807 ca tử vong, với tỷ lệ tử vong là 4%. Cập nhật mỗi ngày về các số liệu này có thể tìm thấy ở đây: https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/situation-reports hoặc ở đây (số liệu sẽ có sự khác biệt do các tiêu chí và thời điểm cập nhật khác nhau): https://www.worldometers.info/coronavirus/ hay ở đây: https://ourworldindata.org/coronavirus

Trung Quốc, nơi COVID19 bắt nguồn, hiện giờ đã đi qua đỉnh dịch và đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng cũng không loại trừ khả năng dịch có thể bùng phát trở lại ở các khu vực mới nếu không tiếp tục kiểm soát. 

Malaysia hiện đang là điểm nóng của COVID-19 tại Đông Nam Á với 673 ca lây nhiễm. Số người bị nhiễm tăng cao và 2/3 được truy xuất nguồn gốc từ một cuộc lễ hành hương hồi giáo diễn ra từ 27/2 đến 1/3 vừa qua tại nước này, với sự tham gia của 16,000 người, bao gồm 1500 khách nước ngoài, trong đó 700 người đến từ Việt Nam, Philippines, và Indonesia. Chính phủ đã ban hành lệnh giới nghiêm đóng cửa cả nước cho đến hết ngày 31/3, kể từ ngày 16/3. Phần lớn các kệ hàng hoá tại Malaysia đã hết sạch đồ sau khi lệnh giới nghiêm được công bố.

Ý hiện là tâm dịch của Châu Âu, với 31,506 ca dương tính với COVID-19 và 2,503 ca tử vong, với tỷ lệ tử vong là gần 8%. Tỷ lệ này có thể thấp hơn nếu tất cả mọi người ở Ý đều được xét nghiệm. Các bác sỹ đã phải chọn lựa sự sống cho người trẻ hơn và đành buông tay với các ca lớn tuổi vì sự quá tải của hệ thống y tế. Việc chọn cứu sống một người 40 tuổi và bỏ rơi một ca 60 tuổi đã trở thành một điều không thể tránh khỏi trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Ý lần này.

Tại Châu Mỹ, Mỹ hiện tại đang là nơi có nhiều ca lây nhiễm nhất, với 7038 ca dương tính đến ngày 18/3 và 97 ca tử vong. COVID-19 đã lây lan ra tất cả các bang và đảo của Mỹ. Đã có lệnh giới nghiêm tại một số thành phố. Nếu nước Mỹ không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì khả năng cao cũng sẽ bị vỡ trận vì quá tải hệ thống y tế như Ý, theo nhận định của Liz Specht, giám đốc viện khoa học và kỹ thuật The Good Food (bài viết cụ thể ở đây: https://www.statnews.com/2020/03/10/simple-math-alarming-answers-covid-19/

Ở châu Úc, Úc là tâm điểm của dịch, và hiện tại đã có 414 ca lây nhiễm và 78 ca tử vong. Một bác sỹ tại Úc đã đứng biểu tình trước trường học của con mình, yêu cầu chính phủ phải đóng cửa trường học và hành động ngay trước khi quá trễ như Ý. Bài viết về bác sỹ đó ở đây: https://www.news.com.au/lifestyle/health/health-problems/coronavirus-australia-doctor-dad-stages-protest-outside-sydney-school/news-story/1874a2736b24b6bdc76bea083bd99ff3

COVID-19 cũng đã đến Châu Phi. Châu Phi là nơi đáng lo ngại nhất vì đây là nơi có cơ sở y tế yếu nhất. Sẽ cần đến sự giúp đỡ của thế giới để ngăn chặn dịch bệnh và giảm thiểu tổn thất. Vì sao việc giúp đỡ Châu Phi và các nước đang hoặc kém phát triển là cần thiết? Có thể xem thêm bài viết của Bill Gates tại đây: https://www.facebook.com/1587112508173855/posts/2547094092175687/?d=n

3. Tình hình tại Việt Nam đang tiến dần đến bùng phát

Theo cập nhật mới nhất trên trang sau của Bộ Y Tế https://ncov.moh.gov.vn, hiện Việt Nam đang có 76 ca đã nhiễm bệnh COVID19, và 122 ca nghi nhiễm.

Chính phủ đã ra lệnh ngưng cấp visa cho khách nước ngoài vào Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ lúc 0H ngày 18/3. Mọi người Việt Nam nhập cảnh sẽ qua kiểm tra bệnh và đi cách ly 14 ngày. 

Cũng trong hôm qua, 18/3, đã có gần 7000 người Việt từ nước ngoài (như Châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á, v...v...) về lại Việt Nam https://news.zing.vn/gan-7000-nguoi-viet-hoi-huong-trong-ngay-183-post1061032.html

Riêng thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đón khoảng 17,000 người Việt hồi hương trong vòng 10 ngày tới https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tphcm-sap-don-17000-nguoi-viet-tu-vung-dich-ve-nuoc-1626254.tpo

Hà Nội cũng dự đoán sẽ đón 10,000 người Việt trở về trong thời gian gần https://news.zing.vn/ha-noi-co-the-don-10000-nguoi-hoi-huong-vi-dich-covid-19-post1061394.html 

Ở Mỹ, các du học sinh ở ký túc xá tại một số trường học bị lao đao vì trường đóng cửa tránh dịch nên không có chỗ ở. Nếu bạn nào không thể về Việt Nam thì có thể tham khảo mạng lưới Ăn Nhờ Ở Đậu của hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam tại Hoa Kỳ ở đây: https://www.facebook.com/groups/anodgroup/?ref=share

Cám ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam vì sự chuẩn bị quá tốt và các quyết định dứt khoát kịp thời, như quyết định đóng cửa biên giới 30 ngày bắt đầu từ lúc 0H ngày 18/3 hôm qua. Người dân Hà Nội cũng được khuyến cáo không nên ra đường đến hết 31/3.

Cám ơn đội ngũ y tế vì sự đóng góp quên mình của các bạn! 

Cám ơn quân đội vì sự hỗ trợ hết mình của các bạn! 

Và cám ơn những người phụ trách gọi điện thoại thuyết phục các hành khách trên các chuyến bay có người nhiễm COVID-19 đến khai báo sức khoẻ tại cơ sở Y Tế gần nhất!

Tuy nhiên, tính đến ngày 19/3 hôm nay, Bộ Y Tế đã thông báo khẩn về 19 chuyến bay có người bị nhiễm COVID-19. Và những người bị nhiễm này đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trước khi có biểu hiện bệnh. Trung bình cứ 6.4 ngày thì số người lây nhiễm COVID-19 sẽ tăng gấp đôi, theo một nghiên cứu từ Vũ Hán (có thể xem thêm chi tiết tại đây: https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)30260-9/fulltext). Vậy trong mỗi 16 chuyến bay kia, đã có bao nhiêu người bị lây nhiễm và đã lây nhiễm cho bao nhiêu người trong suốt thời gian ca nhiễm đầu tiên chưa được phát hiện? 




4. Làm sao để giảm số lượng vật chủ của vi rút SARS-CoV-2?

Như đã nói ở trên, vi rút này là gần như không thể ngăn chặn, ngoại trừ việc giảm số lượng vật chủ mà vi rút có thể lây nhiễm. Vậy làm sao để giảm?

Như đã nói từ đầu mùa dịch #COVID19, bạn có thể làm tất cả mọi thứ như đeo khẩu trang, rửa tay, tránh chỗ đông người, nhưng bạn vẫn có thể bị lây nhiễm. Và cách chống dịch hiệu quả nhất trên tất cả ở thời điểm này đó là: mọi người tự cách ly (social distancing) hay nói dễ hiểu hơn là tự cách xa nhau ra trong vòng 1 tháng này, với giả định bất kỳ ai bạn tiếp xúc đều có thể đang mang vi rút trong người. 

Một người mang vi rút SARS-CoV-2 trong người, ngay cả khi không có dấu hiệu bệnh, vẫn có thể lây nhiễm cho từ 2 đến 3 người xung quanh trong vòng 29 ngày. Nhưng nếu người này ở nhà và không tiếp xúc với ai xung quanh thì con vi rút sẽ bị hệ miễn dịch của người đó đánh lùi và không thể lây nhiễm được cho ai sau 29 ngày. Và như thế, số lượng vật chủ mang vi rút này sẽ từ từ giảm dần và hết. Và dịch sẽ đi qua. 

Bạn nào quan tâm có thể xem thêm video sau để hiểu tại sao tự cách ly là hiệu quả nhất trong đại dịch: https://youtu.be/dSQztKXR6k0 hoặc bài viết sau: https://www.washingtonpost.com/graphics/2020/world/corona-simulator/

Đối với các cá nhân đã nhiễm vi rút và đã hồi phục trở về nhà thì càng nên cách ly với mọi người trong vòng 1 tháng này vì ngay cả khi đã hồi phục, vi rút vẫn có thể còn trong người bạn và bạn vẫn có thể lây nhiễm. Nếu có nói chuyện với ai thì nên đeo khẩu trang và đứng cách xa ít nhất 2m.

30 là con số cần lúc này hơn là 14 để giảm thiểu số ca lây nhiễm và thoát dịch với tổn thất ít nhất cho Việt Nam. 




5. Chuẩn bị gì khi ở nhà một tháng?

Bạn có thể chuẩn bị lương thực đủ cho một tháng để hạn chế tối đa việc phải ra ngoài và tiếp xúc với người khác.

Các gợi ý như:
  • Gạo, miến, bún khô, đậu khô
  • Cá khô, thịt cá cấp đông
  • Dầu ăn, đường, muối, nước mắm
  • Các loại rau củ để được lâu như các loại khoai, củ dền, cà rốt, su su, su hào
  • Xà bông tắm và rửa tay
  • Tã em bé, băng vệ sinh phụ nữ, tã cho người lớn tuổi, giấy vệ sinh 
  • Paracetamol để hạ sốt trong trường hợp nếu cần vì loại này được các nghiên cứu gần đây cho là loại phù hợp duy nhất để tự chữa nếu bị sốt nhẹ vì COVID-19 (có thể tham khảo thêm bài tường thuật tự chữa trị tại nhà của một bác sỹ Anh 60 tuổi bị nhiễm COVID-19 tại đây: http://ttvn.toquoc.vn/nu-bac-si-60-tuoi-ke-chuyen-may-man-chien-thang-covid-19-bang-nuoc-chanh-paracetamol-va-sup-ga-520201937172414.htm)
Không nên tích trữ quá nhiều vì mục đích là để hạn chế ra đường thôi. Việt Nam là nước nông nghiệp nên việc thiếu thức ăn là khó xảy ra. 

Đại dịch này có thể được dập tắt hoàn toàn nhờ vào ý thức tự cách ly của mỗi người! Đây cũng là dịp để các bạn thể hiện khả năng bảo vệ của chính mình cho các người thân yêu trong nhà!

Cách ly địa lý nhưng không cách ly con tim nhé! Hãy dành thời gian này để gọi điện/email thăm hỏi và nói lời yêu thương với những người quan trọng của cuộc đời bạn nhe!

Cách ly địa lý nhưng không cách ly não bộ! Đây là thời điểm tuyệt vời để học thêm kiến thức mới và mở rộng bầu trời trên miệng giếng! 

Cầu mong tất cả chúng ta đi qua dịch bệnh trong yêu thương! 



P.S: hôm trước đi chợ, được anh bán trái cây nói: “chị mua thêm đi! Chị mua gì em bán rẻ cho chị cái đó. Bữa nay em bán lỗ vốn luôn cho hết hàng để từ mai nghỉ bán ở nhà luôn. Em đi trốn dịch. Khi nào hết dịch em mới bán lại.” Công dân gương mẫu là đây! 

Nhận xét

  1. Cảm ơn chị về bài viết quá tuyệt vời

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn chị về bài viết dễ hiểu và chi tiết!

    Trả lờiXóa
  3. Việt Nam không nói rõ xử lý vụ này ra sao. Thí dụ nói cách ly phố Trúc Bạch vì có người ở đó bị nhiễm virus này; nhưng không nói là có test cả phố hay không. Nam Triều Tiên làm chuyện này rất tốt vì chỉ một người trong khu phố bị nhiễm là họ test mọi người trong khu phố đó.

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết rất hữu ích và tổng hợp, trích dẫn nhiều nguồn thông tin. Cảm ơn tiến sĩ rất nhiều. Bài viết đóng góp rất nhiều cho cộng đồng về kiến thức, hiểu biết về virus cũng như đưa ra các lời khuyên, hướng dẫn vô cùng giá trị. Từ đầu mùa dịch tới giờ lần đầu tiên đọc được một bài phân tích tổng hợp nhiều khía cạnh từ khoa học đến thực tiễn và có các nguồn thông tin dẫn chiếu đầy đủ. Đẳng cấp là đây chứ đâu xa. Much appreciated Dr. M

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

2050: 29 Năm Nữa Có Kịp Để Lội Ngược Dòng?

Mấy ngày gần đây, làn sóng COVID thứ 3 tại Việt Nam đang lây lan với những chủng mới nguy hiểm hơn những lần trước. Tuy nhiên, nó lại không còn là mối quan tâm hàng đầu của bản thân nữa. Vì sao? Vì có một thứ còn kinh khủng hơn đang diễn ra, như một ngày tận thế được báo trước đang đến, có thể là rất từ từ, cũng có thể là rất nhanh, tuỳ quan điểm mỗi người, nhưng có một điều không thể chối cãi là nó đang đến nhanh hơn so với những dự đoán trước đây. 1.  Nhanh hơn 2050 Vào năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên đã ngồi lại được với nhau để lập nên Hiệp Ước Paris (Paris Agreement:  https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXVII-7-d&chapter=27&clang=_en  ) về biến đổi khí hậu và đến nay đã được ký kết bởi 197 nước, gần như toàn bộ các nước trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, khối Liên Minh Châu Âu, Anh, Việt Nam, và các nước khác.  Trong Hiệp Ước này, các nước cùng đồng lòng giảm thiểu khí thải (green house gas emissions) để ngăn c

Chia Sẻ Của Người Việt 5 Châu Về Ảnh Hưởng Của COVID-19 (phần 2)

Vu Van, California, My 28/3 😱🥰👊 We passed the $10,000 mark (of the total $$ we raised from the community). Our fund is MATCHED and DOUBLED!!!! Thank you our community! And special Thank You to chú Lam Nguyen-Phuong and your family for your kind hearts!!  💪🙋‍♀️ Wow -    300+ donors within less than 12 hours since the initiative launched. This is beyond happiness! I feel very touched and heartwarming seeing the initiative H.A.T (Help A Teacher) receive flood of support of people from all corner of the world - even from a little kid who said he wanted to save his (tiny) snack money to donate and help his teachers.  It is indeed the power of community and together we stand!  And more than ever, it is also very true that as the world turns turmoil, we turn towards the community to seek hope, love and support!  Let’s keep spreading the word so we can spread the love! If each of us just donate $1 - you are bringing hope to hundreds of thousands of teachers who are struggling to make ends

Tiêm Chủng COVID-19 Và Trẻ Em

Ngày 3/11 vừa qua, tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam, tại trạm y tế xã Yên Sơn, đã xảy ra 1 vụ tiêm nhầm vắc xin COVID19 hiệu Pfizer cho 18 bé từ 2 đến 6 tháng tuổi. Triệu chứng chung là sốt cao, và đều đã được đưa đi cấp cứu  https://youtu.be/c_Y-QUvKzLY  -  http://www.congdoan.vn/tin-tuc/thoi-su-487/ha-noi-thong-tin-ve-su-co-tiem-nham-vaccine-covid19-cho-18-tre-601116.tld   1. Tình hình tiêm vắc xin cho trẻ em trên thế giới đến đâu rồi?   Vắc xin phòng ngừa COVID-19 Comirnaty của Pfizer trước đó đã được Trung Tâm Quản Lý Bệnh Tật CDC của Mỹ phê duyệt lần đầu tiên vào ngày 23/8/2021 chỉ để tiêm cho người từ 16 tuổi trở lên  https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/different-vaccines/Pfizer-BioNTech.html    Đây là một trong những công nhận về vắc xin nhanh cấp kỳ trong lịch sử nghiên cứu vắc xin vì tổng thời gian nghiên cứu của vắc xin này trên người mới chỉ có 4 tháng ở giai đoạn 3. Và thời gian từ lúc tiêm cho đến khi kết thúc theo dõi những người đã tiêm vắc xin