Chuyển đến nội dung chính

Chia Sẻ Của Người Việt 5 Châu Về Ảnh Hưởng Của COVID-19 (phần 1)



(Nguồn hình: mặt che bảo vệ cho y bác sỹ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, in bằng công nghệ in 3D, được thiết kế, sản xuất, và trao tặng bởi https://ohmnilabs.com/ )

Chị Mimi, California, Mỹ
19/3/2020

Lòng biết ơn🇺🇸🇺🇸🇺🇸

Có nhiều điều muốn nói lắm về câu chuyện của mùa dịch lần này. Nhưng có lẽ sự biết ơn đối với nơi mình đang  sống là điều mà
Nước Mỹ, dẫu chúng ta nói có hành động phòng dịch chậm hơn so với các nước châu Á là điều thật khó hiểu nhưng đến bây giờ thì mình mới nhận ra bởi vì chính phủ cần phải có một sự chuẩn bị thật chu đáo và kỹ lưỡng cho người dân trước khi bắt đầu vào “ cuộc chiến “. Khi tổng thống đã bắt đầu phát lệnh khẩn cấp trên toàn lãnh thổ , thì ngay lập tức trường học,các khu vui chơi đóng cửa hàng loạt, những thành phố lớn shut down , nhà hàng tiệm ăn dịch vụ đóng cửa , các hãng xưởng nhan viên nghĩ việc tạm thời hoặc làm việc tại nhà...vậy chính phủ và tiểu bang họ đã làm j cho dân?
Trường học cho trẻ học online, trẻ nào ko có laptop 💻( chrome book) , trường đưa cho mang về xài. ( mỗi đứa 1 cái nha )Ở nhà nhưng sợ con trẻ ko có ăn, hay nhớ bữa ăn hàng ngày, học khu phát luôn bữa ăn sáng ăn trưa miễn phí. Cô giáo thì ở nhà nhưng set up zoom meeting ngày 3 cữ dạy đọc, dạy Toán, kể chuyện cho con. Một ngày update liên tục qua email , cho phụ huynh biết các con ra sao? Hỏi phụ huynh tui làm vậy OK ko? Có ý kiến gì không? Thật hết sức nói hen 🤪
Nhân viên có nghỉ việc cũng có lương, hoặc như Cty em hơn cả 1000 người mà lập tức được tạo điều kiện và trang thiết bị để làm việc tại gia. Quá trình chuyển đổi từ công ty về nhà làm tổ chức rất chuyên nghiệp và chu đáo biết bao nhiêu là tiền của và công sức cũng chỉ để tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà vì họ coi trọng nhất là sức khỏe của nhân viên . Hôm nay sếp đưa cho mình một xấp Mail nhờ mở dùm, Nhưng sếp nói “ mày có găng tay không nếu không có thì đừng mở “ và cuối cùng sếp nhường đôi găng tay của bà ấy cho mình . Một việc rất nhỏ nhưng làm mình rất biết ơn, người ta rất coi trọng sức khỏe của nhân viên.
Chính phủ cũng có quỹ để hỗ trợ cho những doanh nghiệp có thể trụ vững qua mùa dịch này , người dân cũng được hỗ trợ giảm tiền lãi suất , được trả tiền bill trễ và có thể còn được nhận tiền mặt đễ hỗ trợ chi phí sinh sống trong lúc khó khăn này. 

Thật lòng mình biết ơn quê hương thứ 2 này, ít ra mình luôn cảm thấy bình an và hạnh phúc dù không giàu có, nhưng cuộc sống như vầy còn mưu cầu chi hơn. Con Nà chắc chắn sẽ không toàn thây 1 ngày rất gần thôi👍💪🏻

—-

Chị Hồng Nhung, Daegu, tâm dịch của Hàn Quốc

Ngày 2/3
1. Chiến lược phòng COVID 19 của Hàn Quốc là thực hiện nhanh nhất có thể xét nghiệm số lượng lớn để tìm ra người nhiễm bệnh để cách ly và điều trị. Tới 2/03 Hàn quốc đã xét nghiệm cho 95.185 người bằng xét nghiệm phân tích acid nucleic (độ nhạy cao nhất), mỗi người được xét nghiệm 2 lần lặp lại, kết quả công bố 2 lần 1 ngày lúc 10AM và 5PM thông tin chi tiết toàn quốc. Tỷ lệ dương tính hiện nay là 3.736/(3.736+61,825)=5,7%. Hiện vẫn còn 33.360 đang chờ kết quả xét nghiệm trong ngày hôm nay. 
Đối với các tín đồ giáo phái thì tỷ lệ nhiễm là 80% ở những người có triệu chứng tuy nhiên những người này đa số đã được cách ly từ vài ngày trước. Mỗi ngày Hàn Quốc thực hiện xét nghiệm cho khoảng 8000-10.000 người, mỗi người lặp lại 2 lần. 80% người bị nhiễm có triệu chứng nhẹ và 20% gặp vấn đề về hô hấp cần tới hỗ trợ y tế.
2. Hàn Quốc đã phát triển các địa điểm drive-thru clinic cho phép người đang cách ly tự lái ô tô tới, mở cửa xe ô tô để đo nhiệt độ, lấy mẫu, để lại địa chỉ cá nhân - thực hiện trong 10 phút. Như vậy họ sẽ không tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài nhân viên lấy mẫu xét nghiệm.
3. Mình nhận được liên hệ hỏi nên về hay ở. Xét về độ an toàn y tế và nguy cơ nhiễm thì tất nhiên về an toàn hơn rất nhiều lần khi ở lại Daegu. Tuy nhiên các bạn cũng biết sẽ phải chịu nhiều tổn thương tâm lý nếu về tránh dịch. 
Mình không về kể cả khi việc ở lại sẽ gặp nguy hiểm, còn lựa chọn là tuỳ ở các bạn vì điều kiện của mỗi người không giống nhau.

Ngày 3/3
2/3: confirmed case +572=4335.
3/3: confirmed case +974=5186
Không thiếu mà còn đồng loạt giảm giá, thậm chí khuyến mại 1+1 các mặt hàng lương thực, nhu yếu phẩm. Các bạn mua hàng cuối tuần vừa rồi còn chia sẻ thịt và hoa quả rẻ quá trời luôn. 
Tiện thể share cái tủ lạnh mùa dịch "gần như trống không" ở dưới comment nhà mình trong 3 ngày tới ^^ thời buổi khó khăn nên dù thực phẩm đầy siêu thị cũng tự giác ăn cơm tí thịt, tí rau, kim chi thôi ^^ 
Người nông dân đang học cách mua hàng trên homeplus online : ) Thấy báo đài đưa tin bên Hàn căng lắm, loạn lắm, a hihihi. Nhận được nhiều tin từ ở nhà như này nên em phải làm cái tút ạ ^_^

Ngày 6/3
Hàn quốc 6/3: Điểm mới về kiểm dịch, hiệu quả điều trị, nguy cơ tử vong, khẩu trang, đời sống.
1. Tốc độ lây lan chững lại và đang có dấu hiệu chậm dần. Tỷ lệ dương tính giảm đáng kể 5,7% xuống 2,78%.
Về cơ bản vấn đề kiểm dịch ở 2 tâm dịch lớn tại Daegu và Gyeongbuk, đặc biệt liên quan đến giáo phái Sincheonji đã được giải quyết. Hiện Hàn quốc đã hoàn thành xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao nhất (tổng số khoảng 164.000 người). Tỷ lệ dương tính trong tổng số xét nghiệm trong ngày hôm nay đã giảm mạnh trong 3 ngày liên tiếp. Hiện 6/3 10PM ở mức 505/(505+17.659)= 2,78% (cách đây là 3 ngày 5,7%). 5 hành phố lớn nhất Hàn quốc như Seoul, Pusan và đặc biệt là Incheon, Daejeon và Wangju đều có số ca tăng nhẹ (vài ca) trong những ngày gần đây và nhiều thành phố còn có số ca nhiễm dưới 10, 20 trong khi dân số từ 1.1-4,5 triệu dân. 
Danh sách các tín đồ còn lại của giáo phái này đã được gửi tới các tỉnh, thành phố và tiến hành theo dõi, xét nghiệm theo quy định. Mỗi tỉnh, thành phố tại Hàn hoạt động như những cơ quan kiểm dịch độc lập về tình hình dịch bệnh ở địa phương mình và đều rất tích cực ngăn chặn dịch bệnh.

2. Hàn quốc đang bắt đầu tập trung tìm và giải quyết các ổ dịch nhỏ trên quy mô toàn quốc. 
Hiện nay trên 1 số địa điểm đã phát hiện 1 số ổ dịch nhỏ tại bệnh viện (do bệnh nhân viêm phổi nhiễm SARS-Cov-2 nhập viện cấp cứu), tại các lớp dậy nhảy, nhà thờ...Tuy không nhiều và đang được giải quyết rất triệt để nhưng cũng cần sự hợp tác của người dân để tránh sự xuất hiện và lây lan COVID 19. Hàn quốc cũng đang bước vào xét nghiệm cho những người dân có triệu chứng và những người có liên quan đến ổ dịch/giáo phái Sincheonji. Tuy nhiên do những người trong nhóm nguy cơ cao đã bị cách ly và xét nghiệm nên con số và tỷ lệ dương tính sẽ giảm dần.

3. Tỷ lệ tử vong thấp nhưng tỷ lệ hồi phục xuất viện cũng thấp, tại sao?
- Tuy có số ca nhiễm rất cao nhưng tỷ lệ tử vong tại Hàn quốc hiện vẫn đứng thứ 4 và chỉ ở mức 0,64%. Số ca nhiễm ở mức nghiêm trọng và nguy kịch hiện cũng không nhiều. Đa số trường hợp tử vong là do mắc một hoặc một vài bệnh nền và thể trạng yếu, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị không may bị nhiễm COVID 19. 
Điều đáng nói là tỷ lệ hồi phục xuất viện chỉ đạt 1,8% - đây là tỷ lệ rất thấp. Giải thích về vấn đề này các nhân viên y tế cho biết Hàn quốc có quy định cho xuất viện và tính là hồi phục gần như cao nhất so với các nước trên thế giới. Theo đó bệnh nhân phải vượt qua nhiều kiểm tra mới có thể đủ điều kiện hồi phục hoàn toàn và xuất viện. Hiện Hàn quốc đã bắt đầu nới lỏng quy định này từ hôm qua và chuyển những người có dấu hiệu phục hồi tốt ra các phòng chăm sóc cộng đồng hoặc chăm sóc tại nhà. Hàn quốc cũng chỉ mới phát hiện dịch bùng phát từ 22/2 và đa số bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm nên cần thời gian 2-3 tuần để hồi phục hoàn toàn. 

4. Vẫn còn có những người không tuân thủ cách ly bắt buộc và hợp tác điều tra.Tuy là chưa nhiều và phần lớn người dân có ý thức rất cao nhưng vẫn có một số trường hợp đã phải cưỡng chế cách ly, xét nghiệm và vi phạm nguyên tắc tự cách ly. Những trường hợp này đang bị xử lý nghiêm.

5. Tình trạng thiếu khẩu trang đang xảy ra rất nghiêm trọng khiến nhiều người phải xếp hàng vẫn ko mua được khẩu trang. Chính phủ đã ngưng xuất khẩu khẩu trang (thay vì 10% như trước) và bán khẩu trang online, bán theo ngày tính trên số chứng minh thư của năm sinh. Ví dụ sinh năm 1990 chỉ được mua vào thứ 6, 1986 chỉ được mua vào thứ 3...

Ngày 9/3
Hiến máu mùa dịch.
Khi số ca nhiễm của Hàn lên 7478 thì Hàn quốc đang rơi vào tình trạng thiếu máu và các chế phẩm từ máu trầm trọng.
Ngồi nghĩ xem trong lúc tất cả đều khó khăn thì nên làm gì mình nghĩ ra là có tiền, thời gian chuẩn bị quà động viên các bác sĩ vùng dịch và máu.
Mình có chứng nhận âm tính với 19 virus, vi khuẩn theo tiêu chuẩn châu Âu (khi mang thai Anna) và máu đạt tiêu chuẩn, cân nặng mới +10kg đủ tiêu chuẩn và không có bất kỳ bệnh lý hay sử dụng thuốc. Cộng thêm may mắn là ở thành phố chỉ 18 ca nhiễm (quận mình ở 9 ca và mình thuộc nhóm nguy cơ thấp vì ít tiếp xúc). Mình bắt đầu hì hục đăng ký hiến máu và sau 1 thời gian 8 ngày mới qua phỏng vấn và hiến máu. Đến đây gặp 50 tình nguyện viên hiến cùng lúc 1 lượt rồi nhóm khác lại ngồi vào. Ai cũng đeo khẩu trang và rất vui vẻ nên mình cũng rất vui vẻ.
Đang trong thời gian tự cách ly vì đã tiếp xúc khoảng 100 người trong 1h hiến máu và làm thủ tục tại đây. Ngày thứ 3 và chưa nhận được bất kỳ liên lạc gì về COVID 19 trừ lời cảm ơn và chứng nhận máu của mình đạt tiêu chuẩn. 
Cầu mong mình không bị nhiễm bệnh để không ảnh hưởng gia đình và khu dân cư (những người hàng xóm đáng mến) và lại có sức khoẻ để tiếp tục đi hiến máu : )

Ngày 13/3
Đỉnh dịch đã xuất hiện, số ca mắc mới trong 24h là 110, số người ra viện trong 24h là 177. Trong số 13.500 xét nghiệm cho những người có nguy cơ cao nhất chỉ có 110 người dương tính với SARS-CoV-2. Chúc mừng Hàn Quốc và vô cùng biết ơn những người ở tuyến đầu phòng dịch và điều trị bệnh !!! Chỉ cần duy trì số người nhập viện tại 1 thời điểm thấp trong giới hạn để không gây ra quá tải bệnh viện thì sẽ giảm tối đa tổn thất về người. Tỷ lệ tử vong hiện tại ở Hàn là 0,9%.
12h đêm qua đoàn xe cấp cứu lại chạy qua nhà mình - nghĩa là lại có một hoặc vài bệnh nhân phải nhập viện vì COVID  19, đây là lần thứ 6 trong tháng mình nghe thấy đoàn xe, nghĩ lại thương những người đang không ngủ trực đêm để phòng dịch....Mình cần cố gắng hơn nữa để làm những gì có thể hỗ trợ và động viên họ.

Ngày 20/3

Kimchi-jjigae (김치찌개). Trưa nay nấu canh kimchi để ăn mừng cả nhà vừa qua 14 ngày tự cách ly. Đã gần 40 ngày chồng không ăn cơm và gặp gỡ đồng nghiệp, chỉ lủi thủi ở hành lang mỗi người một phòng, cả nhà mình cũng không gặp bất kỳ ai, ăn cơm với ai mà chỉ đứng từ xa cười và chào hỏi nhau. Trước thì hay ăn món này rồi cả canh rong biển và cả nhóm có nhiều chuyện vui. Cúc tỏ ra rất thích các món Hàn và bơ, sữa, kim chi, rong biển, súp... hy vọng con đi học sẽ thích nghi được.
Xe cấp cứu lại vừa chạy qua nhà mình - lại có 1 ca nhiễm mới. 5 người nhiễm ở thành phố mình ở đã ra viện, mong mọi người đều bình an. Luôn biết ơn các bác sĩ, y tá đã tận tình chữa trị cho họ.  


Anh Trung Kiên, cán bộ y tế dự phòng, Hà Nội, Việt Nam

16/3

NHỮNG NGƯỜI ĐANG VÀ SẼ CÁCH LY- HỌ ĐÃ BẢO VỆ CHÚNG TA VÀ THỂ HIỆN TRÁCH NHIỆM VỚI TỔ QUỐC  

Suốt tuần qua, dù về rất muộn, nhưng tôi cảm nhận được cả chung cư tôi ở đang theo dõi từng bước đi của mình, mặc dù chỉ là hàng xóm của 2 gia đình nằm trong diện cách ly vì chót phơi nhiễm với người tiếp xúc gần người nhiễm covid19. 

Khi yêu cầu chính quyền và Ban QL điều chỉnh phân luồng từ tầng hầm xe, tách riêng thang máy chỉ lên tầng có người cách ly, cả chung cư đều tránh xa thang máy đó và cả tầng tôi ở, ngay cả lực lượng bảo vệ và vệ sinh cũng tránh xa, cho dù khi tôi đã hướng dẫn cách tiếp nhận rác thải, cách đeo khẩu trang, găng tay, kính khi bảo vệ tại tầng có người nhiễm.

Thưa các anh chị, người nghi nhiễm không có tội, kể cả người nhiễm, họ chỉ đáng trách nếu đã nhiễm bệnh mà không cách ly, khai báo, cố tình che giấu và lây bệnh. Do vậy, rất mong tất cả chúng ta không kỳ thị, xa lánh, chửi rủa. Càng làm vậy, những người khác họ sẽ càng che giấu, và sẽ còn tiếp tục lây lan. Việc tiếp xúc người nhiễm, nghi nhiễm đã có lực lượng y tế, việc chúng ta là ủng hộ, động viên. Hơn ai hết, hàng xóm- những người cách ly sẽ cảm ơn vì tình làng nghĩa xóm trong 14 ngày theo dõi.

Trong lúc này, hãy coi việc sẵn sàng cách ly, vận động người thân và chấp nhận cách ly là bảo vệ xã hội, là hành động của người dân có trách nhiệm với tổ quốc.


18/3
ĐẠI DỊCH COVID19- MỘT SỐ THAY ĐỔI BƯỚC NGOẶT 

Cũng như VIệt Nam, một loạt nước châu Âu và châu Á cũng đang áp dụng chiến thuật 4T: Trace, Track, Test and Treatment. Duy nhất, nước Anh và Hà Lan vẫn còn luyến tiếc với chiến thuật Delay and focus. Việc phong tỏa biên giới, nhất là đường hàng không sẽ đảm bảo các nước cùng thực hiện cam kết quốc tế: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, ai chỗ nào, ngồi yên ở đó. Có thể nói, Việt Nam đến thời điểm hiện tại đang làm như 1 anh Tây được cách ly ở Sơn Tây viết: It’s clear that while the rest of the world waited, Vietnam has been preparing. 

Bộ Y tế Việt Nam hôm qua đã đưa ra thông điệp như Thủ tướng đã nói: lực lượng y, bác sỹ đã sẵn sàng cho lệnh tổng động viên. Mặt trận chống dịch, bên cạnh lực lượng CDC đang căng ra trên 63 tỉnh, thành phố sẽ có các y, bác sỹ của hệ điều trị từ BV trung ương đón ca nặng, chỉ đạo tuyến đến các trạm y tế, phòng khám sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân nhẹ.

Trong 1 diễn biến khác, ngày hôm qua nhiều BS chia sẻ thông tin virus SARS-Cov2 lây qua đường không khí, tồn tại trên bề mặt bên ngoài đến vài ngày. Thật sự nguy hiểm, nhưng nếu không ra ngoài tụ tập, không đến chỗ đông người sao lây. Tuần này, lượng người Việt Nam ở nhiều nước đã và đang về Việt Nam tránh bão Covid19 sẽ là nguy cơ lây nhiễm lớn.
TRong lúc này, điều bình an nhất cho toàn bộ người dân Việt Nam là hãy nghe theo những gì Chính phủ yêu cầu:
- Khai báo y tế, rửa tay sạch, đeo khẩu trang và hạn chế tối đa đi lại.
-

Binh Ngo, Đức

15/3
Groceries shopping - Apocalypse - Phase 1:
No rice & toilet paper in one store. No meat or frozen veggies in the other. => So the shopping spree has arrived in Germany??? 🤔Well, I'll start to freak out when Germany runs out of bread!
For now, rollkuchen is back in store and I still can't say oragen sahneschnitte 🤭
(Cửa hàng tạp hóa - Ngày tận thế - Giai đoạn 1: Không có gạo & giấy vệ sinh trong một cửa hàng. Không có thịt hoặc rau đông lạnh trong một cửa hàng khác. => Vậy là cuộc đua mua sắm đã đến Đức ??? Chà, tôi sẽ chỉ bắt đầu bấn loạn khi nào nước Đức hết bánh mì! Hiện tại, rollkuchen đã trở lại cửa hàng và tôi vẫn không thể phát âm từ oragen sahneschnitte cho đúng.

20/3
Today's adventure (results TBD): Extremely fortunate to be in a country that has the capacity for corona testing and to have managers and colleagues who cared and helped making it possible. The ppl at the testing facility were very kind & patient with me (sorry still can't speak German 😔) amidst the crisis.
It's a precious moment to reflect that our sole existence in this world takes an enormous amount of collective effort and that we are also a part of that effort.
Currently, nothing severe except the amount of exhaustion I've been feeling. If I hadn't known any better, I'd have thought a vampire came sucking my blood at night 😂Or perhaps I'm just getting old 😂After all, my bday is coming in a few weeks. Can't wait for the cake!!!😋
(Cuộc phiêu lưu ngày nay (kết quả TBD): Vô cùng may mắn khi được ở một đất nước có khả năng thử nghiệm corona và có những người quản lý và đồng nghiệp đã quan tâm và giúp đỡ thực hiện điều đó. Các ppl tại cơ sở thử nghiệm rất tử tế và kiên nhẫn với tôi (xin lỗi vẫn không thể nói tiếng Đức 😔) trong bối cảnh khủng hoảng. Đó là một khoảnh khắc quý giá để phản ánh rằng sự tồn tại duy nhất của chúng ta trong thế giới này cần một lượng lớn nỗ lực tập thể và chúng ta cũng là một phần của nỗ lực đó. Hiện tại, không có gì nghiêm trọng ngoại trừ lượng kiệt sức tôi đã cảm thấy. Nếu tôi không biết gì hơn, tôi đã nghĩ rằng một con ma cà rồng hút máu tôi vào ban đêm 😂Hoặc có lẽ tôi chỉ già đi 😂Sau tất cả, ngày của tôi sẽ đến sau vài tuần nữa. Không thể đợi bánh !!!)

—-

Diệu Hoà, California, Mỹ

21/3

Chào các bác cô chú, các anh chị, các bạn trẻ đồng trang lứa,

Chắc nhiều người cũng đang thắc mắc tôi là ai và đang làm gì. Đúng vậy, nhiều lúc tôi cũng thắc mắc, mình đến với thế giới này để làm gì, “tôi được sinh ra trên cõi đời này với sứ mệnh gì nhỉ?” 

Tôi, một phụ nữ hiện đại, một dược sĩ tương lai. Tôi không còn trẻ mấy, không còn quá non nớt như những ngày đầu mới bước ra đời, nhưng có lẽ tôi cũng vẫn chưa đủ trải nghiệm để có thể đưa ra nhiều lời khuyên, hay chỉ dẫn cho bất cứ ai. Tuy nhiên, cuộc sống này, nếu ai cũng như ai, thì chẳng còn gì thú vị nữa. 

Tôi hiện là một sinh viên sau đại học, và tôi đang làm thêm ở một nhà thuốc ở ngoài. Bên cạnh đó, tôi cũng thực tập ở một bệnh viện cách chỗ trường tôi không xa lắm. Hôm nay, đúng một tuần tôi không phải đến trường để nghe giảng, học nhóm, và kiểm tra thi cử. Tuy nhiên, tất cả sinh viên đều vẫn phải tiếp tục hành trình này, học từ xa. Thật rất chán, khi lúc nào cũng lủi thủi với chiếc máy tính suốt ngày đêm. Tôi phát hiện, học từ xa ngốn nhiều thời gian của tôi hơn, và cũng làm xáo trộn cuộc sống của tôi nhiều lắm. Giờ thì tôi có thể cảm nhận được mức độ căng thẳng của những người làm việc ngành khoa học máy tính rồi, và đặc biệt là những bạn phải làm việc tại nhà, từ xa. 

Dịch bệnh COVID-19 đang ở trong tầm báo động, khủng hoảng về sự lây lan, đến mức chỉ cần một cái bắt tay xã giao, hay một cái nhảy mũi của người đang bị nhiễm bệnh đứng gần bạn 3 mét, cũng đủ làm cho bạn có thêm người bạn thân mới “Corona virus". Hay là chỉ cần những hạt phân tử trong không khí mang mầm bệnh, cũng đủ làm cho bạn bị lây nhiễm theo. Điều này thật kinh khủng, phải không mọi người? Trên thế giới bây giờ đã có gần 300,000 người bị nhiễm, và hơn 11,000 người chết vì dịch bệnh này và những con số này vẫn tăng không ngừng. 

Cách đây 2 tháng, khi dịch bệnh mới hoành hành ở Trung Quốc, và một vài nước ở Đông Á, mỗi ngày tôi đi làm, có rất nhiều người đến hỏi mua khẩu trang, sau đó là dung dịch rửa tay khử trùng. Cứ cách chừng 15 phút, thì có người đến hỏi, mua để gởi về bên nhà ở Trung Quốc, Việt Nam… vì bên đó thiếu thốn. Tất cả khẩu trang đều bán sạch trong vòng 1 nốt nhạc. Không, chỉ ¼ phách là đã không thấy những khẩu trang đó trên kệ rồi. Và gần đây thì, khi mà không còn khẩu trang và dung dịch rửa tay khô, tất cả alcohol và gel đều bị cháy hàng, khi mà các nước bây giờ đều rơi vào tình trạng cách ly. Những người đến hỏi mua nhiều đến nỗi, tôi cảm giác muốn bệnh, vì càng nhận ra sự trầm trọng của dịch bệnh. 

Hiện nay, ở đất nước nào cũng có những vấn đề xã hội nhạy cảm. Không vấn đề nào giống vấn đề nào, làm những nhà chức trách và mọi người dân đều lo ngại. 

1/ Các bạn trẻ, các bạn là tương lai của bất cứ quốc gia nào. Các bạn phải chăng cũng nên hành động một cách văn minh? Điển hình việc mua thực phẩm, hàng hoá để tích trữ cho một, hai hay ba tháng, hoặc thậm chí lâu hơn thế nữa, các bạn tranh giành nhau từng cuộn giấy vệ sinh. Các bạn làm vậy để làm gì? Các bạn chỉ nên mua vừa đủ cho một hộ gia đình dùng thôi, vừa đủ từ 2 tuần đến 1 tháng, nếu hết chúng ta có thể mua sau. Không nên đầu cơ tích trữ, mua đi bán lại giá cao (điều này là thất đức) hay chất như núi ở nhà cũng không tốt. Thời điểm dịch bệnh, tất cả chúng ta nên san sẻ với nhau, đặc biệt là hãy để những người già, hay nhà có trẻ em nhỏ được ưu tiên mua trước. Các bạn có thiếu giấy vệ sinh thì có thể dùng nước, hoặc nhịn đói một bữa cũng không có chết liền được đâu. Hãy nghĩ lại thời kì chiến tranh, nạn đói của mấy mươi năm về trước. 

2/ Tháng 3, khi mùa xuân về, các bạn học sinh- sinh viên đều được nghỉ xuân 1 tuần. Tôi biết các bạn đã học rất khổ sở. Các bạn xứng đáng với 1 kì nghỉ ngắn! Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các bạn có quyền ăn chơi xả láng, tụ tập nhảy nhót đàn đúm chốn đông người, mà không nghĩ đến tất cả những nhân viên y tế đang ngày đêm giúp đỡ những người bị mắc bệnh. Các bạn không thấy họ đã quá đủ việc rồi hay sao? Các bạn lớn học đại học rồi, nên hãy nhìn thẳng vào vấn đề, vào cái tình hình chính mà suy nghĩ “không ăn chơi bung lụa 1 cái kì nghỉ xuân 1 tuần không có chết”, nhưng nếu tất cả đều mắc dịch bệnh, chắc chắn sẽ có những cái mạng phải trả giá cho sự ngu xuẩn và ích kỉ này.” Những người trẻ tuổi, tôi mong các bạn hãy suy nghĩ lại về hành động bồng bột này của mình. 

3/ Gần đây tôi tình cờ đọc được một bài viết nói lên nỗi lòng của một ca sĩ trẻ được yêu thích ở quê hương tôi. Bài viết súc tích, ngắn gọn và chửi khéo những người đang sống ở nước ngoài, những người đang ồ ạt trở về Việt Nam. Tóm tắt nội dung là ‘các Việt Kiều đùng đùng ồ ạt lánh nạn về nước trốn dịch, chửi bới chê bai Tổ Quốc, mà không nghĩ rằng bạn đã làm gì cho đất nước, không chịu cách ly, đêm thêm bệnh về lây lan cho người khác.’ Thật ra, tôi thấy vấn đề là như thế này. Những người gần đây từ châu Âu hay các nước khác về lại quê hương, là vì thứ nhất, họ buộc phải về vì lý do dịch bệnh bùng phát, có những nơi không chấp chứa những người không phải là cư dân nơi đó. Họ không còn nơi nào để đi, thì buộc phải về. Điển hình là những bạn du học sinh chỉ học online, kí túc xá không tiếp tục cho ở nữa, những anh chị đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền về nuôi gia đình. Họ ở lại có nhiễm bệnh cũng không thể tự lo được. Thật sự nên thương cảm và rộng lòng với họ! Có một thắc mắc từ lâu tôi hay tự hỏi, “Việt Kiều nghĩa là như thế nào?” Mỗi lần nghe đến từ này mọi người đều nói với một giọng điệu khá mỉa mai, và ai đã đặt ra cái khái niệm Việt Kiều vậy? Thứ hai, những lúc khó khăn như thế này, họ quay về với quê hương, gia đình vì họ là người Việt Nam. Không phải chúng ta nên mở rộng vòng tay chào đón hay sao? Có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại.” Hãy thương dân mình với, đừng xoáy thêm gươm nhọn vào lòng nhau nữa. Đối với những bạn, những anh chị lâu nay tha phương cầu thực, giờ về lại quê hương mình, hãy cố gắng làm người văn minh nhé. Hãy biết ơn và quý trọng những giờ phút mình vẫn được bình an, và hãy thoả mãn với những gì mà ông Trời đang cho mình. Ở bất cứ nền văn hoá, hay đất nước nào cũng vậy, đều có người tốt người xấu, người biết điều và không biết điều; mong rằng các cuộc khẩu chiến sẽ không còn nảy lửa, và tất cả những người ở quê hương tôi được bình an, qua trận “cuồng phong bão tố” này.  

Vì được thông báo là sẽ giới nghiêm, phong toả khu vực dài hạn, và trước mắt là 2 tuần đến 1 tháng, có khi lâu hơn tuỳ tình hình. Tôi đã có giải pháp cho bản thân, và đang cố gắng thực hiện điều đó: 

1/ Hạn chế đi lại, tiếp xúc tụ tập đông người và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Tôi chỉ đi ra ngoài khi phải đi làm (việc của tôi không được ở nhà), và đi chợ búa khi hết đồ. Không tụ tập ở những nơi đông đúc, và thường xuyên rửa tay sạch sẽ với nước và xà phòng. 

2/ Ăn ít lại, và ăn uống khoa học hơn. Ý của tôi không phải là nhịn ăn, mà cắt giảm bớt lượng calo trong thời gian này vì tôi thấy bình thường mình cũng ăn hơi nhiều. Điều này giúp giảm đi lượng mỡ thừa đáng kể, và có thể cho cơ thể được thời gian vận hành nhẹ nhàng hơn chút xíu. Nếu đi sâu hơn chi tiết thì chắc có lẽ sẽ rất dài. 

3/ Tập thể dục siêng năng hơn. Tranh thủ thời gian này ở nhà, tăng cường sức đề kháng đều đặn hơn, để cơ thể thứ nhất lấy lại vóc dáng cân đối, và thứ hai khả năng đẩy lùi bệnh tật tốt hơn. 

4/ Làm đẹp. Cái này chắc các bạn nữ thích nè. Bình thường mình không mấy chăm chút vẻ bề ngoài, nhưng gần đây thực sự nhận ra, sẽ chẳng ai thích bạn nếu cái gì bạn cũng không tốt không giỏi. Đặc biệt khi mà bạn không có gương mặt xinh xắn hay đặc trưng gì đó, bạn sẽ chẳng để lại ấn tượng gì cả, thêm cả việc tôi là một người không nói nhiều và nói hay. Đây là cơ hội tốt để các bạn tranh thủ làm đẹp đúng giờ, vì chúng ta không bận rộn đi ra ngoài tụ tập với bạn bè nữa. Thực sự tôi vẫn còn khổ sở trong việc này, nhiều lúc học khuya quá tôi lại ngủ quên luôn, hoặc uống nhiều cà phê cũng làm cho da rất xấu. 

5/ Đọc sách và học tập. Hãy tận dụng cơ hội tốt để đọc những quyển sách mà bạn vẫn chưa có cơ hội đọc nó. Có những quyển sách làm giàu trí tuệ, kĩ năng sống, lại có những quyển làm giàu tâm hồn. Sách gì cũng được, miễn là nó làm cho bạn cảm thấy giá trị hơn đều hay cả. 
Về phần Học tập, chắc cái này không cần giải thích nhiều. Điển hình như tôi, vẫn phải học và làm bài kiểm tra, nên hãy duy trì tăng cường kiến thức, rèn luyện trí tuệ. Học không bao giờ là đủ! Tôi đã nhận ra điều này rất lâu rồi, và tự nghiệm ra 1 câu mà tôi hay than thở với BaMe tôi “Càng học con càng thấy ngu, vì vẫn còn quá nhiều thứ mà con vẫn không biết.” và BaMe tôi cười rất hả hê, phán “Nhận ra được điều đó là tốt!”

6/ Làm thiện nguyện. Ở đây nghĩa thiện nguyện rộng lắm. Các bạn làm điều gì có ích cũng đều tốt hết. Một ví dụ nhỏ, các bạn có sức khoẻ tốt, đạt tiêu chuẩn cân nặng, hãy cho máu. Trong lúc này, lượng máu trong ngân hàng máu đang giảm nhanh đáng kể. Một ví dụ khác, tất cả các bệnh viện, đều đang thiếu một cách trầm trọng những vật tư y tế cần thiết để bảo vệ bác sĩ, ý tá, trong quá trình giúp chữa trị cho bệnh nhân như là khẩu trang y tế, găng tay y tế, … Nếu các bạn có lòng hảo tâm, thì hãy giúp đỡ điều đó. Mục đích chính của chúng ta trên thế giới này chính là chung tay đẩy lùi bệnh dịch mà, phải không? Giúp bằng cách nào cũng được, chỉ cần đó là xuất phát tâm của bạn thì đó là thiện nguyện. 

7/ Hãy yêu thương, và quan tâm những người xung quanh mình hơn nữa. Trong những khoảnh khắc nhạy cảm như thế này, chúng ta mới thấy trân quý cái cuộc sống này hơn bao giờ hết, trân trọng hơn những người quanh mình, và biết ơn hơn với những người đang ngày ngày cố gắng nỗ lực, làm tốt hơn nhiệm vụ của họ để thế giới được bình yên, để bảo vệ những người yêu thương quanh họ. ❤️🧡💛💚💙💜🖤

Còn các bạn, các bạn có những ý tưởng gì không, hãy cho tôi biết nhé. Nếu thấy hay thì chia sẽ, nếu thấy không đúng, mong được góp ý. Tôi hy vọng thời gian này sẽ luôn cho bản thân mình được hữu ích từng phút giây có mặt trên trái đất này. 

Tái bút: Ngày này hàng năm là ngày Quốc Tế Hạnh Phúc. Hạnh phúc đối với bạn như thế nào, tuỳ bạn định nghĩa chúng nhé.

-Hoa vô ưu (20 tháng 3, 2020)

—-

Một Facebooker không biết tên

21/3

Những người đứng sau cánh gà.

Nửa đêm tôi mừng rỡ khi đọc được tin nhóm 46 du học sinh Việt Nam ở châu Âu bị mắc kẹt (do các chuyến bay từ nhiều nước bị hủy) đã được bố trí một chuyến bay của Vietnam Airlines đưa về nước.

Một cuộc giải cứu đúng nghĩa.

Nhưng ai là người thực hiện cuộc giải cứu này?

Đó là Bộ Ngoại giao Việt Nam, là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, là Sứ quán Việt Nam tại nhiều nước châu Âu khác.

Trên thực tế, kể từ khi có dịch Covid ở Trung Quốc, sau đó là Hàn, Nhật, Iran rồi châu Âu... các cán bộ của Bộ Ngoại giao và các Sứ quán ở những nước đó đã trở thành những con thoi, chạy và chạy, kết nối, liên hệ, tổ chức... cho gần như tất cả các cuộc Bảo hộ công dân.

Ai là người liên kết, tập hợp và động viên những người Việt bị mắc kẹt ở Vũ Hán?

Ai là người đứng ra tổ chức xin giấy phép cho máy bay Việt Nam sag Vũ Hán đón công dân của mình về?
Ai là người hàng ngày soạn từng tin nhắn, cập nhật tình hình dịch và động viên công dân, kiều bào ở nước ngoài?
Ai là người được cầu cứu mỗi khi người Việt ở nước ngoài gặp khó?

Ai đứng sau những chuyến bay đưa người Việt Nam ở Hàn, Nhật, châu Âu về nước khi dịch bùng lên ở đó?
Thậm chí, việc đàm phán, giao thiệp với các quốc gia khác thế nào để Việt Nam có thể ngừng cấp visa, ngừng chuyến bay hay cấm nhập cảnh với người nước ngoài mà không gây ra các cuộc khủng hoảng ngoại giao, không bị sứt mẻ quan hệ đối tác, không bị trả đũa với công dân của mình ở nước ngoài.... cũng là nhờ Bộ Ngoại giao cả.

Họ phải làm 1 tỷ thứ việc cực kỳ quan trọng nhưng không được kể ra, không được truyền thông chứ chưa nói đến chuyện kể công.

Khi có dịch, các bạn còn có lựa chọn là về nước chứ họ thì dù ở giữa tâm dịch vẫn cứ phải bám trụ ở lại. Nguy cơ bị lây nhiễm của họ không hề thấp hơn người khác.
Họ cũng có những giây phút hồi hộp đến vỡ tim. Cũng có những lúc cháy máy điện thoại, cũng có những đêm trắng, những ngày đứt bữa.

Nhưng họ chưa bao giờ được nhắc tên, chưa bao giờ được một lời cảm ơn.

Bởi đơn giản, họ là những người đứng sau cánh gà của mọi sân khấu lớn.


Minh Trung Nguyen, New York, Mỹ

21/3

Corona virus status Updates (tiếng Việt ở dưới)

I’m tested negative (and hopefully it stays that way). As an international student, I know I have much more luck dealing with this virus than other fellow international students and people who live under the U.S. healthcare system now. I think it is my ancestors who keep looking out for me under this time of stress and loneliness. I wanna thank them while I will continue to think about others’ suffering (That’s all I can do for now. Please those who can vote make sure you vote for the benefit of the people!)

Mọi người ơi! Em ko có con Cô-rô-na ạ! Em vui mừng quá chời. Sức khoẻ em cũng tốt hơn chút đỉnh rồi. Vẫn thỉnh thoảng còn suyễn. Nhưng qua chuyến này e mới thấy nước Mỹ hiện tại ứng biến với con Cô-rô-na này tệ lắm ạ. Chắc cũng trong cái rủi có cái may em mới tìm đc cái bệnh viện ko hỏi dài dòng, e báo đúng triệu chứng là cho test ngay. Nghe vậy thôi chứ nhiêu đó là đủ may mắn ở đây rồi đó mọi người. Thôi thì chuyện dài, hôm nào vui tươi hơn em kể cho nghe. Chứ giờ đọc báo thấy nhiều tin buồn quá.


Long Nguyen, Washington DC, Mỹ

MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG

21/3

Tuần này mình nhận được email của giám đốc gửi cho toàn thể nhân viên thông báo rằng một đồng nghiệp trong công sở đã xét nghiệm dương tính với coronavirus (Covid-19). Những người từng tiếp xúc với người này đều đã cách li và các văn phòng mà người này làm việc đã được khử trùng. Danh tính của bệnh nhân được giữ kín. Mình đón nhận tin tức một cách bình thản dù trong lòng ít nhiều lo lắng. Không biết từ lúc nào mình đã chấp nhận viễn cảnh này như một điều không thể tránh khỏi. 

Sau lưng mình, trong tòa nhà lập pháp bên kia đường, hai thành viên Hạ viện Hoa Kỳ vừa tham gia một cuộc biểu quyết về dự luật ứng phó với Covid-19 thứ Sáu tuần trước thì tới tối thứ Tư đã loan báo họ xét nghiệm dương tính. Xa nữa theo hướng Đại lộ Pennsylvania tới gần Nhà Trắng, tại một trong những tòa nhà chính phủ tráng lệ nhất ở Washington, một thành viên của Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ cũng xét nghiệm dương tính. Gần 100 ca nhiễm khác nữa đã được xác nhận trong khu vực thủ đô của Mỹ. Con số tăng lên từng ngày nếu không phải từng giờ.

Mình lục lại một email từ ngày 7 tháng 1 gửi cho một quan chức của WHO ở Thái Lan yêu cầu bình luận về một đợt bùng phát bệnh viêm phổi ở Trung Quốc. Không có hồi đáp. Hơn hai tháng sau mình trôi giữa biển thông tin của một sự kiện mà những diễn biến mới cứ như sóng lớp sau đùn lớp trước, liên tục không ngơi nghỉ. Phần lớn là những con số thống kê vô hồn nhưng phản ánh một hiện thực hết sức ảm đạm. Morbid. Từ tiếng Anh mà mình luôn cảm thấy mù mờ vì không biết dùng như thế nào, giờ tự nhiên sáng rõ một cách kì lạ. Mình chợt nhận ra sự yên ắng bất thường trong văn phòng. Ngoài đường không nghe thấy tiếng còi xe nữa.

Mình ngước nhìn TV. Tổng thống và các quan chức hàng đầu của chính quyền đang phát biểu. Kể từ khi Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh, các buổi họp báo diễn ra hàng ngày để nhà chức trách thông báo các biện pháp để ứng phó với dịch bệnh, và cũng để báo chí chất vấn chính quyền. Hàng loạt những câu chuyện từ khắp nước Mỹ những ngày gần đây cho thấy tình hình nghiêm trọng rõ ràng trên thực địa: không có đủ test kits để làm xét nghiệm cho tất cả những ai muốn xét nghiệm, nhân viên chăm sóc y tế không có đủ khẩu trang và được khuyên dùng khăn bandana (!) nếu nguồn cung cạn kiệt, số lượng máy trợ thở không đáp ứng nổi nhu cầu tiềm năng và bệnh viện đang rất thiếu giường. 

Mình không tin nổi những gì mình đọc thấy. Sao có thể như vậy được? Sự lo lắng pha chút nỗi sợ xen vào trong những suy nghĩ rời rạc.

Thoáng nhìn đồng hồ, mình lật đật gom các thứ chuẩn bị chạy vào studio. Mình đã phí gần một tiếng ngồi xem tin tức mà quên bẵng đi công việc chính cần làm. Cả văn phòng chỉ có một mình mình. Tất cả mọi người đã bắt đầu làm việc ở nhà từ hôm thứ Ba theo quy định mới hạn chế tụ tập đông người. Công việc phải sắp xếp lại nhiều nhưng không thể giảm bớt khối lượng. Cả chương trình radio mà mình đang sản xuất cũng vậy. Gần 10 năm ở đây mình “thấm nhuần” câu châm ngôn “the show must go on” - chương trình phải lên sóng. Phải như vậy thôi. Nó đã lên sóng suốt Thế chiến thứ Hai, Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh Việt Nam, chiến tranh chống khủng bố sau vụ 11 tháng 9 và giờ chiến tranh chống coronavirus. Đâu đó thính giả vẫn cần nghe tin tức.

Hành lang chính vắng tanh không một bóng người, một cảnh tượng bất thường cho một ngày làm việc giữa tuần. Mình mở cửa vào studio, khởi động máy và bật mic. Hai cái bọc mic bằng mút xốp nằm chỏng chơ trên bàn làm mình khựng lại. Bình thường nó không ở đó. Mình liếc nhìn cái mic và tự hỏi có ai đã làm sạch nó chưa. Sự dè dặt trong mùa dịch làm mình cảnh giác hơn bình thường. Chắc không sao, mình tự trấn an, giữ khoảng cách với mic là được. Vì có muốn lau chùi cũng chẳng có gì để lau chùi. Phòng Facilities đã hết sạch các thứ nước rửa tay khô, giấy khử trùng khi mình lên đó xin mấy ngày trước.

Mình kéo mic xuống thử âm lượng. Tốt. Ít nhất cái mic này, bàn điều khiển này, hai cái loa này là những thứ bất biến duy nhất giữa vạn biến ngoài kia. Với những thính giả trung thành, chương trình phát thanh này có lẽ cũng vậy. Sự bình thường, hay ít nhất cảm thức về sự bình thường trong không gian này, níu mình khỏi trôi theo dòng thời sự.

The show must go on.

Mình mở đầu bằng câu chào quen thuộc: “Ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ Vi-Âu-Ây kính chào quý vị.”

—-

Ngày 21/03/2020, Bộ Ngoại giao thông báo: 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam quyết định:

- Tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao…). 

- Các cơ quan chức năng trong nước xem xét duyệt cấp thị thực phù hợp (nếu cần thiết) cho các trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và những trường hợp đặc biệt nói trên. Các trường hợp này phải hoàn thành thủ tục kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc tại khu vực riêng và cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo quy định. Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có hình thức cam kết thực hiện giám sát y tế đối với công dân nước mình trong thời gian công tác ở Việt Nam.

- Tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân.
Các biện pháp nêu trên được áp dụng từ 00:00 giờ, ngày 22 tháng 03 năm 2020.

- Người nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ quy trình kiểm tra y tế và thực hiện cách ly tập trung trừ trường hợp người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt khác (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao…). 

- Người nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao có Giấy xác nhận âm tính với virus Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp và được Việt Nam chấp thuận được phép nhập cảnh Việt Nam và phải được cách ly chặt chẽ tại cơ sở lưu trú, bảo đảm các biện pháp an toàn, phòng chống dịch.

Bộ Ngoại giao đã thông báo quyết định này tới các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, đảm bảo công dân các nước chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh của Việt Nam./.

—-

Chinh Luong, bác sỹ khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, Việt Nam

20/3
Dịch bệnh sẽ sớm qua mau thôi. Việt Nam cố lên. Chúc các đồng nghiệp chân cứng đá mềm.

20/3
Đêm nay phường Trúc Bạch hết hạn cách ly mà không có thêm ca nhiễm mới nào trong cộng đồng nhỏ này. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy hiệu quả của các biện pháp phòng và chống dịch bệnh.

Cũng cần nhắc thêm rằng, mình vẫn tin ông giời (điều kiện thời tiết, khí hậu tại Việt Nam) đang giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh với điều kiện chúng ta phải nỗ lực tối đa trong việc áp dụng các biện pháp can thiệp dịch tễ.

Mặc dù có điều kiện thời tiết, khí hậu như Việt Nam, nhưng dịch bệnh tại Malaysia lại đang lây lan mạnh vì Lễ hội Hồi giáo tập trung đông người tới hơn 16000 người hôm nào.

"I stayed at work for you. You stay at home for us."
(Tôi đi làm vì bạn. Bạn ở nhà vì tất cả chúng ta.)

21/3
Thông tin về hiệu quả giảm tải lượng SARS-CoV-2 trong các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm lấy từ người bệnh của biện pháp phối hợp hai thuốc Chloroquine và Azithromycin trong điều trị COVID-19 mới chỉ được báo cáo trong một nghiên cứu quan sát đã hoàn thành và đang trong giai đoạn bình duyệt trước khi công bố nhưng lại là một tín hiệu đáng mừng (Ảnh 1).

Đặc biệt, trong nghiên cứu này, chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự đóng góp của một tác giả người Việt Nam đang du học tại Pháp, Dr. Van Thuan Hoang (Thai Binh University of Medicine and Pharmacy, Thai Binh, Viet Nam; Ảnh 3), đây mới là thông tin khiến mình phải chú ý. Nếu biện pháp điều trị này thực sự có hiệu quả thì Việt Nam chúng ta sẽ có thêm một nhà khoa học được ghi danh vào "lịch sử" khoa học chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi trên thế giới.

Tuy nhiên, mọi chuyện mới chỉ là khởi đầu, chưa có gì để đảm bảo các loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị COVID-19 khi chưa có thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (Randomized Controlled Trial) để chứng minh. Hai hôm nay, khi FDA của Hoa Kỳ mới chỉ phê duyệt cho việc thực hiện một thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên để đánh giá về hiệu quả của thuốc Chloroquine trong điều COVID-19 mà dân tình đã xôn xao hết cả lên khiến mình khá bất ngờ.

Cách đây hai tháng, thông tin về biện pháp phối hợp hai thuốc điều trị HIV là Lopinavir và Ritonavir cũng đã từng rất được kỳ vọng có hiệu quả trong điều trị COVID-19, nhưng kết quả cuối cùng trong thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên lại không cho chúng ta thấy điều đó (Ảnh 2).

Do vậy, trước khi có kết quả cuối cùng của thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên để chứng minh hiệu quả của Chloroquine trong điều trị COVID-19 thì mọi người nên bình tĩnh, đừng thu gom thuốc, đừng lạm dụng thuốc vì thuốc này là thuốc độc bảng B, rất dễ gây chết người. Hơn nữa, Việt Nam có thể sản xuất được loại thuốc này và thuốc rất rẻ cho nên nếu nó thực sự có hiệu quả trong điều trị COVID-19 thì mình tin Việt Nam có đủ thuốc, thậm chí dư thừa thuốc cho người nhiễm bệnh.

"I stayed at work for you. You stay at home for us."
(Tôi đi làm vì bạn. Bạn ở nhà vì tất cả chúng ta.)

21/3 
Để tư vấn giúp cộng đồng hiểu và không thu mua hoặc lạm dụng Chloroquine, cách tiếp cận tốt nhất là phải cung cấp thông tin về tính hiệu quả của thuốc không phải như Donald Trump đồn thổi và thuốc này Việt Nam sản xuất được, lúc nào cũng có sẵn và rất rẻ. Việt Nam có thể cung cấp thuốc cho toàn châu Âu sử dụng được cơ mà (Lê Gạch).

Tuy nhiên, nếu đưa tác dụng độc có thể gây chết người của Chloroquine ra khi sử dụng không đúng thì còn lâu dân mới sợ. Như anh Cap NT nói hôm nào trên TV rằng dân còn dám cưa bom, dân còn dám xem rà phá bom mìn, dân còn dám xem công an bắt cướp có vũ trang... thì thử hỏi tác dụng gây độc của Chloroquine có xá gì.


Hang Cao, New York, Mỹ

22/3

Một ngày của 4 người nhà mình tại vùng tâm dịch của nước Mỹ:

Mỗi sáng ra là hoạt động thể chất, 
Việc mẹ chạy thì mẹ cứ run, 
Ba thích tập tạ, Con đạp xe. 
Miễn sao có hoạt động & mồi hôi có vã. 
Ăn uống tăng C, rau củ quả
Sinh tố, da ua (*yogurt) mỗi bữa ăn. 
Liên tục rửa tay, sờ sẩm cấm!
Tưởng đâu chịu tập người sẽ ngon?!
Hôm nay thử cân mà hoảng hốt
Tăng mất 2 pound tự lúc nào?! 
Thì ra tập khoẻ -> thể chất tốt
Tâm thái tích cực bớt lo âu
Dinh dưỡng uống ăn cả tuần suốt
Lại thêm ngủ khoẻ, khẩu vị tăng
Nghỉ dịch mà thân lại phốp pháp 
Múp cả đầu trạch béo nứt da
Thôi thì chỉ mong coVid phắn
Nhanh lẹ cho dân còn làm ăn
Con số nhiễm bệnh tăng vun vút
Làm cho dân tình phát sốt lên
Thực ra nếu chỉ nhìn con số
So tám triệu dân chẳng là bao
Phương thức lây bệnh hiểu cho đúng
Tự giác phòng thân, tránh nhau xa
Chỉ vài hôm sẽ còn tăng gấp mấy
Ngày ngày đọc tin chắc bệnh luôn
Thôi thì ở đâu ở yên đấy
Ra vườn sưởi nắng & trồng hoa
Chợ búa tháng một lần chắc đủ
Đi lại cho lắm nhỡ gặp xui
Có cần đi đâu phòng thân cho chắc
Sáu feet cách nhau vừa đủ xa
Giờ là lúc sàng lọc người nhiễm
Không phải để giao du hẹn hò
Bản thân lỡ dính chắc gì đã ngỏm
Mà lại gieo hoạ cho những người yếu hơn
Rồi lại góp phần tăng con số
Tốt hơn hết ở trong nhà yên thân
Nhà bao việc kiểu gì chẳng luôn tay
Tạm thời tình hình thông báo thế
Hi vọng phương xa sẽ yên tâm
New York tháng ba hoa vẫn nở
Trời vẫn xanh và chim vẫn hót. 
Nghe đâu bảo lại sắp sinh nhật mình =))

(Thơ Trấn An :)) _ New York City 03/22/2020) 
• Góc thông số: 
Đánh dấu đúng 1 tuần  người lớn và trẻ con đồng loạt nghỉ & ở nhà hết từ khi New York có một vài ca tử vong và vài trăm ca nhiễm. Đến thời điểm hiện tại là một tuần, thì lên đến 10 ngàn ca nhiễm và hơn 6 chục ca tử vong. Riêng quận mình ở (Khu Bayside, Queens- New York) có hơn 2,300 ca nhiễm ( NYC có 5 quận tất cả), quận Brooklyn nặng hơn xíu, Manhattan ít hơn tẹo. Tình hình là sẽ còn tăng cao, và hi vọng là cả ng lớn & trẻ nhỏ sẽ không phải rúc trong nhà từ 1 đến vài tháng như báo đài doạ 😅. Trẻ học online, người lớn ai làm việc tại gia thì làm không thì cũng coi như một kỳ nghỉ dưỡng chăm sóc gia đình, sắp xếp nhà cửa.
Nói chung, nhà mình không chủ quan cũng không bi quan, đọc & cập nhật tin tức hàng ngày để biết bản thân nên / không nên , được/ không được làm gì ảnh hưởng đến người khác trong thời điểm này vậy thôi. Chứ cuộc sống mà,  người này ý kiến người kia ý cò, nghe xong biết thế. 
Chúc mọi nhà giữ được tâm thái lạc quan & bình an cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn! 🙏🍀

—-
Kỳ Duyên, du học sinh Việt Nam tại Mỹ

23/3

Du học sinh ở Mỹ: 'Con không về Việt Nam được rồi'
Sống trong sự kỳ thị ở Mỹ, bố mẹ ở nhà lo tới mất ăn mất ngủ, Lê Thị Kỳ Duyên, 22 tuổi, quê Hưng Yên, hai lần đặt vé về Việt Nam nhưng bất thành.

Kỳ Duyên là sinh viên của Angelo State University, chuẩn bị học tiếp bậc đại học tại University of Texas at San Antonio (bang Texas, Mỹ). Cô chia sẻ hành trình trở về Việt Nam, nhưng bất thành.

Đáng lẽ tối nay tôi có mặt ở Việt Nam sau chuyến bay dài từ Mỹ với hai lần transit. Thế nhưng, tôi lại đang một mình ở nhà trọ, đọc tin nhắn an ủi từ gia đình, bạn bè. Tôi đã cố gắng để không khóc nhưng nước mắt cứ rơi khi nhận được tin nhắn từ mẹ. Có lẽ, bố mẹ ở nhà còn lo lắng, hoang mang hơn tôi.

Tôi sống ở thành phố San Angelo của Texas - bang lớn thứ hai tại Mỹ với số ca nhiễm Covid-19 đến sáng 23/3 là gần 600, trong đó 6 người chết. Ở đây, từ đầu mọi người không quá quan tâm đến corona virus. Khi dịch bùng nổ ở Trung Quốc và các nước châu Á, người Mỹ vẫn vô tư tụ tập đông người và không có biện pháp phòng tránh. Ai cũng chỉ nghĩ nó như bệnh cảm cúm thông thường.

Khi Covid-19 lan sang châu Âu, người Mỹ bắt đầu sợ nhưng chỉ dừng lại ở lời nói chứ không có bất kỳ hành động nào. Chỉ khi Mỹ vào top 10 nước có nhiều ca nhiễm nhất, mọi người mới hoảng loạn, chạy ra siêu thị, tạp hóa để mua gạo, nước, giấy vệ sinh. Những du học sinh như tôi, do không có phương tiện cá nhân, phải trắng tay đi về vì không thể mua được bất kỳ nhu yếu phẩm nào.

Người Mỹ dù có lo sợ vẫn không đeo khẩu trang - biện pháp bình thường mà người châu Á hay thực hiện ngay cả khi không có dịch. Đã hơn một lần, tôi vấp phải ánh mắt kỳ thị của mọi người khi đeo khẩu trang đến nơi công cộng. Có người đến nói trực tiếp "Mày không bị bệnh thì việc gì phải đeo. Mày đeo khiến bọn tao sợ".

Không riêng chuyện khẩu trang, việc tôi và nhiều du học sinh khác là người châu Á cũng bị coi như có tội trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Những người dân vốn cởi mở, dễ dàng bắt chuyện bỗng trở nên đáng sợ. Chỉ trong một ngày (hôm 17/3), tôi không dưới ba lần bị kỳ thị.

Hôm đó, tôi đi từ Chicago về Dallas, khi lên tàu chúng tôi ngồi xuống thì những người ngồi cùng khoang đứng dậy đi luôn. Chúng tôi hiểu mình đang bị coi là "mầm bệnh".

Đến sân bay ở thành phố Dallas, tôi đặt taxi của Uber cùng hai người bạn khác. Tài xế đến, nhìn thấy ba đứa châu Á đeo khẩu trang thì lắc đầu nói "Chúng mày không phải khách của tao. Tao đang đợi người khác". Một lúc sau, người này xác nhận nhưng không cho chúng tôi lên xe, ngược lại còn yêu cầu tự hủy chuyến.

Tự hủy chuyến đồng nghĩa tôi mất 5 USD. Số tiền không lớn nhưng tôi không chấp nhận mất để bị đối xử phân biệt. Tôi gọi lên tổng đài để "report" (báo cáo) trường hợp này. Trong lúc loay hoay tìm số tổng đài, chính tài xế đã hủy. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có câu hỏi "Ngay cả Uber cũng kỳ thị mình sao"?

Một lúc sau đến được bến xe bus, chúng tôi tiếp tục bị một phụ nữ Mỹ phân biệt khi hỏi hướng dẫn. Lúc đó không đeo khẩu trang nhưng thấy chúng tôi là người châu Á, cô ấy đã nhanh chóng tránh xa.

Đến khi về phòng, mở máy tính lên, tôi lại đọc rất nhiều bài trên Facebook chỉ trích du học sinh Việt về nước là mang mầm bệnh về. Mọi người thực sự không hiểu những du học sinh như tôi về nước là quyết định đánh đổi cả tương lai.

Quyết định về, tôi phải chấp nhận rủi ro bị lây nhiễm trên máy bay, chuyến bay bị hoãn. Thậm chí, nếu ra khỏi nước Mỹ, transit ở Nhật và bị kẹt ở Nhật, tôi còn không thể về Việt Nam và cũng chẳng thể quay trở lại Mỹ. Ngay cả khi về được Việt Nam, trong bối cảnh các đại sứ quán đóng cửa, không thể gia hạn visa, sự nghiệp học hành của tôi những năm qua ở Mỹ coi như "tan thành mây khói".

Thế nhưng nhiều người trong chúng tôi vẫn quyết định về, không đơn giản vì để tránh dịch, cũng không phải đơn thuần do bị kỳ thị. Chúng tôi đang khỏe mạnh, nếu ở Mỹ chỉ cần nhận trợ cấp và ở trong nhà để tránh dịch. Nhưng chúng tôi vẫn muốn về vì gia đình. Có những ngày mở mắt ra nhận được tin nhắn từ bố "Con ở bên đó cẩn thận", "Lớp học chuyển online hết rồi thì con về đi. Bố ở nhà lo cho con mà không ngủ được", tôi đã khóc.

Biết rằng sang Mỹ học là chấp nhận sống xa nhà, nhưng chỉ đến khi đại dịch bất ngờ xảy đến, tôi mới hiểu hết nỗi đau khi không được ở cạnh người thân. Hãy tưởng tượng bố mẹ đang ở nhà lo đến ốm người, bên này thì bị kỳ thị, chẳng may nhiễm bệnh cũng sợ không dám nói ra vì không chỉ người Mỹ mà cả đồng bào mình cũng xa lánh, bạn sẽ khao khát về Việt Nam đến thế nào.

Tôi hiểu sâu sắc cảm giác đó và quyết định đặt vé về. Ban đầu, tôi đặt chuyến bay vào ngày 20/3. Tôi sẽ bay từ San Angelo tới thành phố Dallas (bang Texas). Sau khi nghỉ 16 tiếng ở Dallas, tôi sẽ bay tới Narita (Nhật Bản) rồi nối chuyến về Việt Nam. Thế nhưng, trước giờ đi hãng hàng không thông báo chuyến bay bị hủy với lý do chung chung là "corona pandemic" (đại dịch do corona gây ra).

Rất thất vọng nhưng một lần nữa tôi đặt vé với hành trình tương tự, khởi hành vào ngày 22/3, dự kiến có mặt ở Việt Nam vào tối 23/3. Khi đến sân bay ở San Angelo, tôi đã hỏi rất kỹ nhân viên check-in liệu chuyến bay có bị hủy, họ bảo vẫn đúng lịch trình. Tôi tạm yên tâm lên máy bay.

Sau một tiếng, tôi có mặt ở Dallas. Tôi có 16 tiếng ở sân bay trước khi lên máy bay đi Nhật. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, tôi bỏ ra 300 USD thuê phòng khách sạn của sân bay để nghỉ. Sau một đêm ngủ lại, ra đến khu vực check-in, tôi đờ người khi họ nói "chuyến bay bị hủy".

Không hề có thông báo từ hãng hàng không như lần trước, tôi phải nhờ nhân viên xem kỹ. Họ đáp lại tôi bằng cái lắc đầu. Các chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam đều bị hủy, tôi không thể lên máy bay.

Ngồi giữa sân bay với khoảng 40 du học sinh Việt Nam như những người vô gia cư, tôi thẫn thờ không biết phải làm gì. Tôi nghĩ mình sẽ mạnh mẽ nhưng khi lấy điện thoại ra nhắn cho mẹ "Con không về Việt Nam được nữa rồi", tôi bắt đầu khóc. Những bạn xung quanh tôi cũng khóc. Nhiều bạn bất chấp rủi ro, tìm chuyến bay tới Los Angeles để transit ở Hong Kong rồi về Việt Nam.

Ở Việt Nam, bố mẹ đã gọi cho tất cả họ hàng thông báo tôi sẽ về. Bố cũng chuẩn bị mọi thứ để tôi đi cách ly 14 ngày. Bạn bè tìm hiểu thông tin trong khu cách ly để giúp tôi chuẩn bị. Còn tôi, sau hai lần bay bất thành, tôi không thể đánh liều thêm một lần nữa. Tôi cảm thấy rất tệ, có lỗi với mọi người vì mang hy vọng rồi lại đem đến sự thất vọng.

Hơn 10 tiếng từ lúc bị thông báo hủy chuyến bay đến giờ, tôi vẫn còn cảm giác hụt hẫng, bất lực. Dù sao tôi vẫn biết ơn vì không bị mắc kẹt ở một đất nước khác giữa Mỹ và Việt Nam. Giờ đây, tôi chỉ biết nhốt mình trong nhà trọ, học online, làm bài tập, gọi điện cho gia đình hàng ngày để cả nhà yên tâm hơn.

Với những bạn may mắn về Việt Nam an toàn, tôi hy vọng các bạn sẽ tuân thủ mọi biện pháp cách ly và được sống trong tình yêu thương. Chúng tôi ở Mỹ luôn tự hào vì Việt Nam chống dịch rất tốt, chia sẻ câu chuyện chống dịch của người Việt. Tôi hy vọng người dân khi nghe tin có du học sinh mắc bệnh không dị nghị. Nhà là nơi để về, chẳng lẽ đại dịch toàn cầu mà chúng tôi không được về nhà?

Dương Tâm (ghi)

-

Phương Đoàn, Mỹ

23/3

[Cập Nhật] Khoảng 40 Du học sinh Mỹ mắc kẹt ở sân bay Mỹ đã được phía ĐSQ/LSQ Việt Nam ở Mỹ hỗ trợ và đang trên đường transit ở nước thứ 3 (theo thông tin mình biết là Hong Kong) để về tới VN. 

--------
Các đầu mối liên hệ khi cần hỗ trợ khẩn cấp:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC: +1 202 716 8666 hoặc email vietnamembassy.covid19@gmail.com
- Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston: +1 832 998 6238
- Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco: +1 415 922 1707
- Lãnh sự quán Việt Nam tại New York: +1 212 644 2535 / + 1 212 644 0831
Số điện thoại Tổng đài Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự- Bộ Ngoại giao: +84.981.84.84.84.

[THÔNG BÁO QUAN TRỌNG]

Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ lập form này để khảo sát tình hình du học sinh và người Việt Nam đang sinh sống học tập và làm việc tại Mỹ trong dịch COVID-19 để kịp thời hỗ trợ.

https://bit.ly/3bgUj9Y

Toàn bộ thông tin cá nhân của các bạn sẽ được bảo mật, chỉ sử dụng để liên hệ thông tin khi cần thiết.

Ngoài ra, hiện nay trên mạng xã hội đang có thông tin từ một văn bản của Bộ Giao Thông Vận Tải gửi Cục Hàng không yêu cầu các công dân Việt Nam muốn nhập cảnh vào Việt Nam phải có "ý kiến của Cơ quan Đại diện ngoại giao tại nước sở tại" áp dụng từ 0h00 ngày 23 tháng 03 năm 2020 theo giờ Việt Nam.

Dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, chúng tôi xác nhận:

- Khẳng định công dân Việt Nam (có hộ chiếu VN còn hạn) thì được phép nhập cảnh vào VN theo quy định của pháp luật VN.

- Khách có thể trao đổi lại, đề nghị hãng hàng không KHÔNG được yêu cầu khách phải xuất trình giấy xác nhận của Cơ quan đại diện về việc được phép nhập cảnh Việt Nam.

- Trong trường hợp khách vẫn gặp khó khăn về thủ tục với hãng hàng không và/hoặc có nhu cầu trợ giúp để có giấy xác nhận, đề nghị khách gửi ảnh chụp hộ chiếu (trang nhân thân) & thông tin chuyến bay vào visatovn@gmail.com. Phòng Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ email cho khách thư xác nhận để cung cấp cho hàng không để hỗ trợ khách làm thủ tục.

- Nếu cần thêm thông tin, khách liên hệ Phòng Lãnh sự theo email: vietnamembassy.covid19@gmail.com

hoặc email vanphong@vietnambassy.us hoặc các số máy hotline 202-716-8666/ 202-999 6938/ 202-999-6589

- Các bạn có thể download form xác nhận tại đây để xuất trình cho các hãng hàng không: http://vietnamembassy-usa.org/sites/default/files/documents/certified_letter.pdf

—-
Nhan Huynh, Sài Gòn, Việt Nam

25/3

EM TRAI MÌNH, KHI NHÀ HÀNG SÀI GÒN ĐÓNG CỬA
Mấy hôm trước, gần nửa đêm em mình về tới nhà, nó ngồi gục xuống dưới chân cầu thang: "Tụi em kiệt sức rồi, giờ ở nhà hàng không còn ai cười với khách nữa, trừ em". Nói xong câu đó, nó nhăn mặt và bật khóc.

Em mình nằm trong ban quản lý một nhà hàng ở Q.1, cái nhà hàng "gánh team" cho một chuỗi 7 quán. Khách giảm còn 20-30% mùa dịch, mỗi tháng qua, chuỗi nhà hàng bay sạch ít nhất hơn mười mấy tỷ. Mỗi ngày, em mình phải làm một công việc mà nó bảo là nặng nề hơn tất thảy mọi nhiệm vụ nó từng phải làm: Là ra quyết định nghỉ việc cho các nhân viên và báo tin đó với từng người. Trong đó có nhiều người từng là đồng đội gắn bó với nó, có những người làm ở nhà hàng cả chục năm. Để tự nguyện nghỉ thì mọi người buồn bã câm lặng. Chọn ai cho nghỉ trước, cũng là một cái gì đó gây tổn thương ngấm ngầm khó nói.

Mỗi ngày đi làm với nó là một cuộc chiến với những con số từng đồng ra vô, những cuộc họp nóng liên tục, với đủ mọi cách để nỗ lực làm khách hàng yên tâm phần nào, và tính toán con số thiệt hại (bên cạnh những quyết định sa thải). Có những cái ngày đến nhân viên lau dọn vệ sinh cũng nghỉ, không khí như tê liệt. Nó và trưởng ban quản lý của nó, một người bước lên đi dọn hồ cá, một người bước vào dọn nhà vệ sinh, khi không còn đủ sức mở miệng kêu gọi tinh thần của nhân viên phục vụ nữa.

Hôm đó mình động viên bảo, thôi lỡ thất nghiệp vài tháng thì về với chị, chị lo hết cho (mình nói cứng thôi, chứ ngày thường mình đòi nợ nó rất đều...). Rồi với tinh thần vô sản cực đoan "không đứng về phe nhà giàu", mình bảo chủ nhà hàng người ta chắc là vốn lớn, hết cái này người ta làm cái khác không sao đâu... Với dịch bệnh thế này thậm chí nên dừng quán luôn cho an toàn. Bi đi làm chị còn thấy lo mà.

Nó bảo, em cũng biết vậy nhưng tình thế rất khó, tụi em phải ráng cầm cự. Vấn đề không phải là chỉ chuyện của riêng em thất nghiệp hay tiền của chủ đầu tư. Cả chuỗi nhà hàng hơn 400 người, đa phần là dân lao động, nếu đóng cửa luôn, là bao nhiêu gia đình đằng sau, tiền ăn tiền trọ của họ mỗi ngày, rồi người ta đi đâu?... Ráng được chút nào hay chút nấy, trang trải được người nào thì đỡ cho người nấy.

(Mà chuỗi nhà hàng cũng là tích cóp tài sản cả đời của chị chủ, chị đang khủng hoảng vì cú sốc này, nó giải thích với mình như vậy)

...

Chiều tối hôm qua, có tin chính thức các nhà hàng phải đóng cửa khẩn cấp. Coi như đã có câu trả lời cho câu hỏi đó, nó bảo mình: Nhiều người sẽ về quê, vì làm gì còn tiền mà ở trọ, ăn uống ở đây vài tháng nữa.

Nói AQ như mình, thôi coi như mọi người đỡ phải căng mình chống chọi nữa, có thể về nhà. Coi như em mình sẽ dừng được chuỗi ngày gầy rộc phờ phạc tái xám mỗi nửa đêm về đến chân cầu thang. Nó không còn phải dựa vai mình, mắt đỏ hoe và bảo: "Em mệt lắm, em muốn được về nhà, mà em không làm được, không thể bỏ nhà hàng...". (Tết vừa rồi nó vốn không hề được ăn tết ở nhà)

Có điều, những chuyến về nhà này của nhiều nhân viên nó không có gì yên ả (hãy nhớ tới những cánh đồng hạn mặn kiệt cùng của miền Tây lúc này), sự dừng lại này của nó không có mấy thanh thản. Nó đã luôn tâm huyết với nhà hàng của nó hơn vai trò của một kẻ làm công ăn lương rất nhiều.

Với nhiều người, một đợt lockdown có thể là cơ hội để mọi người có thể cảm nhận sự bình yên, "tập trung vào những điều quan trọng hơn của đời mình": đọc sách, học đàn, ngồi thiền, nấu ăn, chăm sóc gia đình, đọc các bài luận tuyệt vời của Yuval Noah Harari... Nhưng xin đừng đánh giá thấp những lớp người hoảng loạn lo buồn "thiếu an yên" ngoài kia. Đôi khi những điều quan trọng với họ, chỉ là có đủ tiền thuê trọ tháng này, có đủ tiền lo ăn uống cho gia đình vài ngày tới, kịp hạn trả nợ tiền lãi chợ đen... Chúng ta có thể tranh thủ thời gian để chăm sóc những thứ nhu cầu thượng tầng, là chúng ta đang may mắn hơn mà thôi. Xin hãy trân trọng.. 

Và chắc là cũng với tinh thần xét lại của Yuval Noah Harari, rất nhiều thứ thuộc về hệ thống này có lẽ cần phải đổi thay. Có điều chúng ta hãy còn quá ít hiểu biết và yếu ớt trước biến cố dạng này.

...

Còn chuyện với em mình, mình có một năng lượng phàn nàn vô biên dành cho nó… Trong mắt mình, nó luôn là đứa trẻ (và ở nhà đúng là vẫn thế thật). Nhưng mùa dịch này, mình hiểu, em mình đã lớn thật rồi! Dù mình vẫn sẽ mắng nó ở nhà vì bao thứ lặt vặt thôi... 
....

Ngày trước là Vũ Hán cố lên, Hà Nội cố lên, Bình Thuận cố lên, giờ sẽ là Sài Gòn cố lên - Các y bác sĩ, các tình nguyện viên đang chiến đấu, các nhà quản lý chính quyền nơm nớp với những con số, các chủ doanh nghiệp đang mất ngủ, và những người lao động mất việc, những kẻ không nhà, hay đơn giản là những thanh niên nhập cư như chúng ta, bỗng chốc lang thang cả buổi để kiếm một chỗ ăn vì ở trọ không biết nấu nướng thế nào… và chợt có thể thấm hơn một chút cái thế bơ vơ mơ hồ của tuổi trẻ tha hương những ngày loài người biến động. 

Em chị cố lên! Chúng ta cố lên! Chúng ta còn đây sinh mệnh! 

Ở nhà phòng dịch, sợ gì kẻ địch! 

(Nói gì thì nói, cũng phải lên tinh thần cho nhau! Một vài tuần nữa thôi, hy vọng)

(Xin bộc bạch thêm, bài viết này không có ý rằng phải ưu tiên kiếm tiền ngắn hạn, không dám so đo kinh tế với sức khoẻ, mình cũng sợ và mình luôn lượn khỏi mấy chỗ đông đúc, kể cả chỗ mua rau. Mình chỉ muốn kể, là có nhiều thứ đằng sau những con số thống kê..)


Thảo Nguyễn, hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ

23/3

Với vô vàn các rủi ro có thể xảy ra, hãy cân nhắc việc có thật cần thiết phải mạo hiểm về Việt Nam  lúc này, hay quyết định ở lại sẽ tốt hơn nhiều mặt. Hãy tự hỏi:
+Về điều kiện sống: Mình có chỗ ở tại nước sở tại (như Mỹ) không? Trường có bắt buộc bạn ra khỏi ký túc xá không? Nếu phải ra khỏi ký túc xá, có ai quen có thể giúp đỡ cho ở nhờ hay thuê chỗ ở bên ngoài không? Nếu bạn có giải pháp về chỗ ở, lý do về Việt Nam là gì?
+Về sức khoẻ cá nhân: Bạn là sinh viên, thuộc nhóm có nguy cơ tử vong thấp, trừ phi có tiền sử bệnh. Người trẻ dù khả năng mắc bệnh không cao, nhưng lại là tác nhân truyền bệnh rất nguy hiểm đến người già.
Vậy, bạn có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao không? Tiền sử bệnh của bạn có làm tăng nguy cơ bạn sẽ thuộc nhóm có triệu chứng nặng khi nhiễm bệnh không? Là học sinh, sinh viên, bạn chắc phải có bảo hiểm do trường bắt buộc? Nếu mắc bệnh ở nước sở tại và ở Việt Nam, điều kiện chăm sóc sức khoẻ ở đâu sẽ tốt hơn? 
Hay là, bạn đã thực hiện “social distancing” trong thời gian vừa qua và có nguy cơ nhiễm thấp? Vậy thì lựa chọn ở nguyên tại chỗ so với việc bay về Việt Nam, lựa chọn nào sẽ nguy hiểm hơn cho cá nhân bạn và những người ở Việt Nam?
Hãy nhớ bình tĩnh để suy xét lựa chọn nào tốt nhất cho bản thân và cho xã hội. Ở lại có thể vất vả và cô đơn hơn so với về nhà, nhưng hãy cố gắng tìm sự giúp đỡ ở cộng đồng nơi mình đang ở trước tiên, vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng ở Việt Nam.



Huỳnh Thế Du, Sài Gòn, Việt Nam

24/3

GIẢI BÀI TOÁN CÁCH LY: KTTT ĐỊNH HƯỚNG XHCN

Trước hết, tôi xin nhắc lại quan điểm của tôi rằng Việt Nam về tổng thể đang làm rất tốt trong đợt chống dịch này. Điều này đang tạo niềm tin cho xã hội. Tuy nhiên, vẫn có những điều chưa hợp lý mà nếu được điều chỉnh kịp thời thì kết quả còn tốt hơn nữa. 

Cách thức cách ly hiện nay là một vấn đề như vậy.

Nếu hiểu kinh tế thị trường là nhắm vào mục tiêu hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực khan hiếm của xã hội và định hướng XHCN là vì mục tiêu công bằng - hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội để không bỏ ai ở lại phía sau thì bài toán cách ly trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc cách ly là để đảm bảo những người có nguy cơ nhiễm bệnh được cô lập và có thể phát hiện nhằm tránh lây lan cho cộng đồng. 

Thêm vào đó, nếu vừa có thể tạo điều kiện cho những người phải cách ly có cuộc sống đúng như kỳ vọng của mỗi người, vừa có thể giảm gánh nặng ngân sách, nhưng có thêm nguồn lực cho việc chống dịch và kích thích các hoạt động kinh tế trong thời buổi khó khăn này thì tốt hơn rất nhiều.

Chúng ta đang có những vấn đề sau:

Thứ nhất, nhiều người có nhu cầu và có khả năng chi trả ở những nơi cách ly có tiêu chuẩn khách sạn nhiều sao đang cảm thấy khổ sở trong điều kiện thiếu thốn hiện tại.

Thứ hai, nhiều khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp đang không có khách và sẵn sàng trở thành nơi cách ly cao cấp cho những người có nhu cầu. Khi đó các hoạt động kinh tế sẽ được cải thiện.

Thứ ba, việc cách ly tập trung hiện tại đang thiếu thốn nguồn lực và quá tải. Ngay cả đội ngũ phục vụ cũng có điều kiện rất thiếu thốn. Hậu quả của nó là nhiều người bị căng thẳng ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng đề kháng cũng bị giảm.

Nếu tạo ra các khu cách ly cao cấp thì sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên. 

Khi một số lượng đáng kể số người thuộc diện cách ly chi trả cho các chi phí liên quan ở những nơi cao cấp thì nhu cầu ở những nơi cách ly tập trung hiện tại sẽ ít đi và nguồn lực sẽ được tập trung nhiều hơn cho những người yếu thế hơn.

Cách làm hiện nay dường như đang ngược, điểm yếu của các cơ chế đang được sử dụng. Nguồn lực được phân bổ theo định hướng XHCN và công bằng đang theo cơ chế thị trường.

Nhiều người đang phải chịu khổ như nhau, gánh nặng dồn vào vai ngân sách, trong khi việc một số người tác động để được gần nhà hay đi cửa sau (cơ chế thị trường) để có điều kiện tốt hơn những người khác rất có thể xảy ra. Một kết quả vừa không hiệu quả vừa không công bằng.

Việc này và một số vấn đề khác giống như câu chuyện cười một cô gái tóc vàng rất đẹp nhưng trí tuệ thì có hạn gặp Anh-xít-tanh nói rằng ông lấy tôi đi để chúng ta sẽ có những đứa con có trí tuệ như ông và xinh đẹp như tôi. Anh-xít-tanh hấp háy đôi mắt và nói với cô gái rằng tôi chỉ e rằng chúng ta sẽ có những đứa con trí tuệ của cô và nhan sắc của tôi mà thôi.

Công bằng xã hội nên được hiểu là làm sao để nâng phúc lợi hay lợi ích của những người có vị trí bất lợi hay yếu thế nhất cho xã hội lên chứ không phải là tất cả mọi người đều có phần như nhau!


Duy Huynh, New York, Mỹ

26/3

DONATE HERE - NO MATTER HOW BIG OR SMALL → https://bit.ly/2UnkS7D  

a group of us just donated 50,000 masks to NY/CA/TX/WA local hospitals, but this will just last them a couple of days.  we're working on the 2nd batch of shipment.  we're collecting any amount of donation, buying the masks directly from reliable suppliers in china and the US, leveraging our supply chain, and sending them straight to hospitals.

(TẶNG NGAY TẠI ĐÂY - ÍT NHIỀU ĐỀU TỐT → https://bit.ly/2UnkS7D

một nhóm chúng tôi đã tặng 50.000 mặt nạ cho các bệnh viện địa phương NY / CA / TX / WA, nhưng điều này sẽ chỉ kéo dài một vài ngày. chúng tôi đang quyên góp cho lô quà tặng lần thứ 2. chúng tôi nhận bất kỳ số tiền quyên góp nào để mua mặt nạ trực tiếp từ các nhà cung cấp đáng tin cậy ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, tận dụng chuỗi cung ứng của chúng tôi và gửi thẳng đến bệnh viện.)

—-

Thuc Vu, California, Mỹ

27/3

Our Fight Against COVID19:

All of us are being impacted by the current global health crisis, and OhmniLabs is doing what we can to support our community. 

Over the last few weeks, we produced and donated 3D-printed face shields to local hospitals in the Bay area to help alleviate the extreme shortage of PPE supplies. We deployed our telepresence robots to several hospitals around the world to allow families to visit COVID-19 patients in quarantine. We also donated robots to companion care organizations that enable virtual visits to seniors at home. Not only are they the most vulnerable and high-risk for COVID-19, but they also suffer tremendously from loneliness and isolation. 

OhmniLabs is fortunate to be able to contribute resources in the fight against COVID-19. At the same time, demand for our products across sectors has increased as caregivers, healthcare providers, and families seek different ways to serve those in need.

We are pushing on all fronts to rise to the challenges and we are looking for passionate and innovative people to join us in this fight!

We are hiring for the following positions. Please share this with people who you think would be a good fit 🙏

In Vietnam:
- Senior Robotics Engineer
- Senior AI/ML Engineer
- Business Development & Community Lead
More details at https://kambria.freshteam.com/jobs

In the US:
- Full-Stack Electrical Engineer
- Mechanical Manufacturing Engineer
- Technical Account Manager
- Sales Development Representative
More details at https://angel.co/company/ohmnilabs

In the meantime, please keep yourself and your family safe. If OhmniLabs can support you, please let us know. We’re all in this together.

(Cuộc chiến của chúng tôi chống lại COVID19:

Tất cả chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay và OhmniLabs đang làm những gì có thể để hỗ trợ cộng đồng của chúng ta.

Trong vài tuần qua, chúng tôi đã sản xuất và tặng những tấm khiên mặt in 3D cho các bệnh viện địa phương trong khu vực Vịnh để giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung PPE. Chúng tôi đã triển khai robot từ xa đến một số bệnh viện trên thế giới để cho phép các gia đình đến thăm bệnh nhân COVID-19 trong khu vực cách ly. Chúng tôi cũng tặng robot cho các tổ chức chăm sóc đồng hành cho phép các chuyến thăm ảo đến người cao niên ở nhà. Họ không chỉ dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao nhất đối với COVID-19, mà họ còn phải chịu đựng rất nhiều sự cô đơn và cô lập.

OhmniLabs may mắn có thể đóng góp nguồn lực trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Đồng thời, nhu cầu về các sản phẩm của chúng tôi trong các lĩnh vực đã tăng lên khi người chăm sóc, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và gia đình tìm cách khác nhau để phục vụ những người có nhu cầu.

Chúng tôi đang thúc đẩy trên tất cả các mặt trận để vượt qua các thách thức và chúng tôi đang tìm kiếm những người đam mê và sáng tạo để tham gia cùng chúng tôi trong cuộc chiến này!

Chúng tôi đang tuyển dụng cho các vị trí sau. Hãy chia sẻ điều này với những người mà bạn nghĩ sẽ phù hợp

Ở Việt Nam:
- Kỹ sư robot cao cấp
- Kỹ sư AI / ML cao cấp
- Phát triển kinh doanh và lãnh đạo cộng đồng
Thêm chi tiết tại https://kambria.freshteam.com/jobs

Tại Hoa Kỳ:
- Kỹ sư điện Full-Stack
- Kỹ sư sản xuất cơ khí
- Quản lý tài khoản kỹ thuật
- Đại diện phát triển bán hàng
Thêm chi tiết tại https://angel.co/company/ohmnilabs

Trong khi đó, xin vui lòng giữ cho bản thân và gia đình của bạn an toàn. Nếu OhmniLabs có thể hỗ trợ bạn, vui lòng cho chúng tôi biết. Chúng ta sẽ cùng nhau đi qua dịch bệnh này.)


Nguyễn Phúc, Sài Gòn, Việt Nam

28/3/2020

Hôm nay là mùng mấy Tết vại mọi người??? 🤔



(Nguồn hình: Nguyễn Phúc) 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

2050: 29 Năm Nữa Có Kịp Để Lội Ngược Dòng?

Mấy ngày gần đây, làn sóng COVID thứ 3 tại Việt Nam đang lây lan với những chủng mới nguy hiểm hơn những lần trước. Tuy nhiên, nó lại không còn là mối quan tâm hàng đầu của bản thân nữa. Vì sao? Vì có một thứ còn kinh khủng hơn đang diễn ra, như một ngày tận thế được báo trước đang đến, có thể là rất từ từ, cũng có thể là rất nhanh, tuỳ quan điểm mỗi người, nhưng có một điều không thể chối cãi là nó đang đến nhanh hơn so với những dự đoán trước đây. 1.  Nhanh hơn 2050 Vào năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên đã ngồi lại được với nhau để lập nên Hiệp Ước Paris (Paris Agreement:  https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXVII-7-d&chapter=27&clang=_en  ) về biến đổi khí hậu và đến nay đã được ký kết bởi 197 nước, gần như toàn bộ các nước trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, khối Liên Minh Châu Âu, Anh, Việt Nam, và các nước khác.  Trong Hiệp Ước này, các nước cùng đồng lòng giảm thiểu khí thải (green house gas emissions) để ngăn c

Chia Sẻ Của Người Việt 5 Châu Về Ảnh Hưởng Của COVID-19 (phần 2)

Vu Van, California, My 28/3 😱🥰👊 We passed the $10,000 mark (of the total $$ we raised from the community). Our fund is MATCHED and DOUBLED!!!! Thank you our community! And special Thank You to chú Lam Nguyen-Phuong and your family for your kind hearts!!  💪🙋‍♀️ Wow -    300+ donors within less than 12 hours since the initiative launched. This is beyond happiness! I feel very touched and heartwarming seeing the initiative H.A.T (Help A Teacher) receive flood of support of people from all corner of the world - even from a little kid who said he wanted to save his (tiny) snack money to donate and help his teachers.  It is indeed the power of community and together we stand!  And more than ever, it is also very true that as the world turns turmoil, we turn towards the community to seek hope, love and support!  Let’s keep spreading the word so we can spread the love! If each of us just donate $1 - you are bringing hope to hundreds of thousands of teachers who are struggling to make ends

Tiêm Chủng COVID-19 Và Trẻ Em

Ngày 3/11 vừa qua, tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam, tại trạm y tế xã Yên Sơn, đã xảy ra 1 vụ tiêm nhầm vắc xin COVID19 hiệu Pfizer cho 18 bé từ 2 đến 6 tháng tuổi. Triệu chứng chung là sốt cao, và đều đã được đưa đi cấp cứu  https://youtu.be/c_Y-QUvKzLY  -  http://www.congdoan.vn/tin-tuc/thoi-su-487/ha-noi-thong-tin-ve-su-co-tiem-nham-vaccine-covid19-cho-18-tre-601116.tld   1. Tình hình tiêm vắc xin cho trẻ em trên thế giới đến đâu rồi?   Vắc xin phòng ngừa COVID-19 Comirnaty của Pfizer trước đó đã được Trung Tâm Quản Lý Bệnh Tật CDC của Mỹ phê duyệt lần đầu tiên vào ngày 23/8/2021 chỉ để tiêm cho người từ 16 tuổi trở lên  https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/different-vaccines/Pfizer-BioNTech.html    Đây là một trong những công nhận về vắc xin nhanh cấp kỳ trong lịch sử nghiên cứu vắc xin vì tổng thời gian nghiên cứu của vắc xin này trên người mới chỉ có 4 tháng ở giai đoạn 3. Và thời gian từ lúc tiêm cho đến khi kết thúc theo dõi những người đã tiêm vắc xin